THƯỢNG TƯỚNG HOÀNG MINH THẢO
Nguyễn Đình Thi
Nhắc tới chiến trường Tây Nguyên không ai không nhắc tới tướng Hoàng Minh Thảo , ông là vị Tư lệnh gắn bó với chiến trường Tây Nguyên lâu nhất , suốt từ cuối năm 1966 đến tận năm 1975 ( trừ 8 tháng về liên khu 5 làm phó Tư lệnh ) . Tướng Hoàng Minh Thảo sinh năm 1921 ở vùng quê lúa huyện Kim Động - Hưng yên .Năm 16 tuổi ông đã tham gia hoạt động Cách mạng , năm 20 tuổi ( 1941 ) ông được Bác Hồ và Quân Đội chọn đưa sang Trung Quốc học ở trường quân sự Hoàng Phố cùng với các tướng như Hoàng Văn Thái, Đàm Quang Trung , Lê Quảng Ba , Vũ Lập ...để làm cán bộ nguồn cho quân đội và Cách mạng . Cuối năm 1944 ông về nước hoạt động cách mạng ở vùng Lạng Sơn . Năm 1945 , mới 24 tuổi ông đã được bổ nhiệm là Tư lệnh Chiến Khu 3 , một địa bàn rộng lớn gồm các tỉnh Hải Phòng , Hải Dương . Rồi tiếp tục làm Tư lệnh liên khu 4 . Năm 1950 ông được bổ nhiệm giữ chức Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304 . Nói tới tướng Hoàng Minh Thảo điều đầu tiên phải nói đến đó là một vị Tướng rất giỏi dùng binh , ông là một vị Tướng rất say mê nghiên cứu về nghệ thuật quân sự , luôn luôn đánh trận bằng mưu và kế , luôn biết tạo nên thời cơ để đánh địch hiệu quả nhất . Cuối năm 1966 ông được cấp trên cử vào chiến trường Tây Nguyên . Sau một thời gian nghiên cứu tình hình chiến trường , năm 1967 ông tổ chức chiến dịch Đắc Tô 1 giành thắng lợi vang dội .Ông bày binh bố trận thành nhiều chiến tuyến , chọn các điểm cao thuận lợi , xây dựng hầm hào kiên cố , nhử cho quân Mỹ , Nguỵ đến , rơi vào các trận địa phục kích của ta , rồi tổ chức cho bộ đội đánh theo chiến thuật : Vận động tấn công kết hợp chốt nhằm hạn chế hỏa lực mạnh của quân Mỹ , Nguỵ . Kết quả sau 17 ngày của chiến dịch ta đã đánh bại chiến lược tìm diệt của Mỹ ở Tây Nguyên , tiêu diệt một lực lượng lớn quân Mỹ , Nguỵ ( trên 4000 tên ) , trong số này phần lớn là quân Mỹ . Có thể nói ở thời điểm năm 1967 lực lượng ta còn nhỏ mà đánh thắng như vậy có ý nghĩa rất lớn , nó đã tác động mạnh tới nước Mỹ , dẫn đến các cuộc biểu tình của người dân Mỹ phản đối chiến tranh đòi rút quân về nước . Tiếp đến năm 1972 , ông lại bày binh bố trận Chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh giành thắng lợi mỹ mãn . Ông tổ chức lực lượng cắt giao thông thành nhiều tầng , chia cắt Bắc Kon Tum với nam Kon Tum , dùng kế " Điệu hổ ly sơn " đưa một lực lượng mở đường vào Kon Tum để lừa địch , rồi dùng một lực lượng mạnh tấn công cụm cứ điểm Đắc Tô - Tân Cảnh . Chỉ sau 10 giờ chiến đấu quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn cụm cứ điểm này . Đây là cụm cứ điểm mạnh nhất của địch ở Bắc Kon Tum . Bắt sống hơn 1000 tên , có cả tên Sư đoàn phó sư đoàn 22 của Nguỵ . Giải phóng toàn bộ vùng Bắc Kon Tum . Trong Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 , ông cũng là người có công sức rất lớn. Năm 1974 , trước khi quyết định mở chiến dịch Tây Nguyên, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã mời ông đến nhà riêng hỏi ý kiến :
Năm 1975 ta sẽ đánh ở đâu trước ? ông đã trả lời Đại tướng : năm 1975 nếu chọn chiến trường đánh đầu tiên nên chọn Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột . Ý kiến của ông đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đồng tình . Ông cũng là người chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên giành chiến thắng vang dội . Kế của ông trong Chiến dịch Tây Nguyên là tổ chức nghi binh lừa địch , không cho địch co cụm phòng thủ mục tiêu ta tấn công , tổ chức cắt giao thông cô lập Tây Nguyên với đồng bằng , cô lập Bắc Tây Nguyên với nam Tây Nguyên , tổ chức đánh giả vào PLay Cu , rồi tổ chức một lực lượng mạnh đánh thẳng vào Buôn Ma Thuộc . Chiến dịch Tây Nguyên do ông chỉ huy giành thắng lợi vượt ngoài mong muốn , buộc toàn bộ lực lượng Quân khu 2 địch phải rút chạy khỏi Tây Nguyên . Tạo bước ngoặt lịch sử để ta mở các chiến dịch tiếp theo tạo nên chiến thắng vĩ đại mùa xuân năm 1975 . Cái giỏi của người cầm quân là luôn biết dự đoán tình huống và sử lý tình huống .Tất cả các chiến dịch do ông chỉ huy đều dự kiến các tình huống và sử lý tình huống rất chính xác .Chính vì vậy mà các trận đánh đều hiệu quả cao và tổn thất ít . Điều đó chứng tỏ ông là một vị tướng thực sự có tài , một vị tướng rất giỏi về nghệ thuật quân sự . Có được chiến thắng năm 1975 ở Tây Nguyên phải nói ông có tầm nhìn chiến lược rất sáng suốt . Tây Nguyên cuối những năm 60 và đầu năm 1970 gặp vô vàn khó khăn , đạn thiếu , gạo thiếu , đặc biệt là gạo thiếu trầm trọng do địch đánh phá ác liệt , miền Bắc không chi viện được , bộ đội chỉ còn có 2 lạng gạo một ngày. Trước những khó khăn trên Ông đã cùng tập thể Bộ tư lệnh nghĩ ra cách tổ chức tăng gia sản xuất tại chỗ , tổ chức số anh em sức khỏe kém tăng gia sản xuất ở phía sau và Trung đoàn tăng gia sản xuất 674 ra đời . Có lẽ trong toàn quân chỉ chiến trường Tây Nguyên mới có đặc thù này và chính nhờ tăng gia sản xuất bộ đội chủ lực Tây Nguyên mới trụ lại được và làm nên chiến thắng mùa xuân năm 1975 .
Say mê đánh giặc , say mê nghiên cứu nghệ thuật quân sự , ông cũng là một vị tướng say mê viết sách về quân sự . Trong các Tướng lĩnh trong toàn quân ông là một trong những vị Tướng có nhiều đầu sách nhất ( 16 cuốn ) . Ngay những ngày còn chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên , mặc dù bận rất nhiều công việc ông vẫn tranh thủ thời gian viết sách . Cuốn sách TÌM HIỂU TỔ TIÊN TA ĐÁNH GIẶC của ông ra đời trong thời gian ông chỉ huy chiến đấu ở Chiến trường Tây Nguyên . Đây là cuốn sách rất có giá trị về nghệ thuật quân sự , được giới học giả đánh giá cao . Đến khi làm Viện trưởng Học viện Quốc phòng rồi Viện trưởng Viện Chiến lược -Bộ Quốc Phòng ông vẫn tích cực viết sách . Trong đó có 8 cuốn sách của ông là một cụm công trình được Hội đồng xét giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ đánh giá là :" Đặc biệt xuất sắc , có giá trị cao về khoa học công nghệ đã được công bố , sử dụng từ ngày thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà ".Cụm công trình này đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2005 . Ông là tác giả duy nhất trong toàn quân được nhận giải thưởng này .
Ở đời có 2 điều mà người đời tâm phục , khẩu phục , đó là phục về TÂM và về TÀI , Ông là một trong những người được mọi người phục cả về TÂM và TÀI. Là vị Tướng quân sự , là Tướng của nhiều vị tướng ( vì ông là Viện trưởng Học Viện Quân sự cấp cao , nơi đào tạo các Tướng lĩnh trong toàn quân ) nhưng không bao giờ ông nặng lời với cấp dưới , kể cả lúc chỉ huy chiến đấu , ông sống với cấp dưới và binh lính như cha con trong gia đình nên nhắc tới tướng Hoàng Minh Thảo không chỉ riêng cán bộ , chiến sỹ Mặt trận Tây Nguyên yêu quý, kính trọng mà cán bộ , chiến sỹ trong toàn quân đều kính trọng ông , kính trọng thật sự từ trái tim chứ không phải như một số Tướng người ta chỉ sợ trước mặt , còn sau lưng ...Ông cũng được mọi người khen ngợi là một vị Tướng sống giản dị , đức độ , thanh liêm . Hồi ông làm Viện trưởng Học Viện Quân sự cấp cao . Bộ Quốc phòng có phân cho ông một căn hộ khá đẹp ở trong thành nhưng ông không nhận mà nhận một căn hộ nhỏ trong khu Học Viện Quốc phòng , mà khu Học Viện Quốc phòng những năm đó xung quanh toàn là ruộng lúa . Ông bảo ở đây ít ồn ào và nhiều đồng đội . Ông sống với cấp dưới chân tình , hầu như ít có khoảng cách , kể cả trong cách xưng hô .Tôi nhớ năm 1981 ông về thăm Sư đoàn 10 , lúc này Sư đoàn đóng ở Phú Lương - Thái Nguyên , là cán bộ tuyên huấn nên tôi được cùng đi tháp tùng ông xuống thăm Trung đoàn 66 , trên đường đi ông bảo : Về với các cậu mình cảm giác như về nhà , khỏe hẳn ra . Thấy thủ trường về thăm , anh em đơn vị cũng muốn thết đãi , ông gạt đi nói : Các cậu đừng cầu kỳ mình ăn gì cũng được . Sự giản dị , chân tình đó của ông làm cho mọi người càng yêu quý ông , kính trọng ông .Người ta cũng yêu quý ông , kính trọng ông cũng như lớp tướng lĩnh thời chống Pháp , chống Mỹ bởi cái tâm các ông luôn trong sáng , không đố kỵ , không vun vén lợi ích cá nhân , luôn đặt lợi ích của dân tộc , đất nước , nhân dân lên trên hết . Đúng là một thế hệ tướng lĩnh vàng . Thật đáng tự hào và kính trọng Ông - Thượng tướng Hoàng Minh Thảo.
Nhận xét
Đăng nhận xét