THƯỢNG TƯỚNG ĐẶNG VŨ HIỆP
Nguyễn Đình Thi
Cũng như các Tướng lĩnh của Mặt trận Tây Nguyên, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp cũng là một Tướng chiến trận . Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp sinh năm 1928 tại xã Việt Hưng , huyện Văn Lâm , tỉnh Hưng Yên . Năm 17 tuổi ông đã tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám ở Phú Thọ . Năm 1945 , ông nhập ngũ và trực tiếp cầm súng chiến đấu ở Trung đoàn 23 của Khu 1 , Trung đoàn 88 - Sư đoàn 308 , sau này ông là Chính ủy Trung đoàn 88 - Sư đoàn 675 pháo cao xạ rồi Chủ nhiệm khoa của Học viện chính trị . Cuối năm 1964 , ông vào chiến trường Khu 5 giữ chức Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân Khu 5 . Năm 1965 ông được cấp trên điều động lên Tây Nguyên giữ chức Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận Tây Nguyên rồi Phó Chính ủy , Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên . Năm 1975 , ông là Chính ủy Quân đoàn 3 , năm 1977 , ông là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam , Thứ trưởng Bộ Quốc phòng . Ông còn là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khoá IV ( 1976 ) rồi ủy viên Trung ương Đảng khoá V năm 1982 .
Cuộc đời binh nghiệp của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp gắn bó lâu nhất với chiến trường Tây Nguyên , ông ở Tây Nguyên suốt từ 1965 đến tận ngày Tây Nguyên giải phóng năm 1975 ( 10 năm )
Nói đến thượng tướng Đặng Vũ Hiệp điều đầu tiên phải nói tới đó là một nhà chính trị , tư tưởng xuất sắc của bộ đội Tây Nguyên cũng như của Quân đội nhân dân Việt Nam . Ai cũng biết rằng Chiến trường Tây Nguyên trong những năm đánh Mỹ - Nguỵ phải nói đó là một chiến trường đặc biệt gian khổ và ác liệt , thiếu thốn đủ bề , gạo thiếu , đạn thiếu , thuốc men thiếu, sốt rét quá nhiều , có đơn vị tới 2 phần 3 quân số sốt rét nếu không làm công tác chính trị tư tưởng tốt thì không thể vượt qua chính bản thân mỗi cá nhân chứ chưa nói đến đánh giặc . Là người chịu trách nhiệm chính trong công tác chính trị tư tưởng của Mặt trận ông đã cùng tập thể Bộ Tư lệnh đề ra nhiều biện pháp để vượt qua khó khăn gian khổ , giữ vững quyết tâm chiến đấu cho bộ đội , đặc biệt là năm 1969 , năm đó do địch đánh phá ác liệt tuyến đường 559 , miền Bắc không cung cấp được đạn , gạo cho chiến trường Tây Nguyên , đặc biệt là gạo , có đơn vị chỉ có 2 lạng gạo một ngày, cấp trên đã chỉ đạo cho bộ đội Tây Nguyên rút bớt một lực lượng ra Bắc . Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn đó , ông cùng Bộ Tư lệnh Mặt trận đã ngày đêm họp bàn với các đơn vị và các địa phương tìm nhiều biện pháp , động viên , kêu gọi cán bộ, chiến sỹ toàn Mặt trận đoàn kết thành một khối vững chắc, vượt qua khó khăn . Các đơn vị vừa chiến đấu vừa tổ chức tăng gia sản xuất. Sau một thời gian đã có hàng ngàn ha sắn được trồng, đã cứu đói được bộ đội Tây Nguyên những năm đó . Chính nhờ quyết tâm cao vượt qua khó khăn gian khổ , trụ bám chiến trường như vậy nên sau này mới có chiến thắng Tây Nguyên vang dội . Phải nói những năm đó công tác chính trị tư tưởng cho bộ đội Tây Nguyên của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên mà ông là Chính ủy thật xuất sắc . Bất kỳ người lính hay cán bộ nào ở Tây Nguyên trong những năm kháng chiến chống Mỹ đều cảm nhận được điều này.
Là cán bộ chính trị xuất sắc của Mặt trận Tây Nguyên và của Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng ít ai biết Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp còn là một cán bộ quân sự xuất sắc , ông cũng nổi tiếng là một vị chỉ huy quả cảm , quyết đoán , luôn có mặt ở những chiến dịch lớn , quan trọng ở Tây Nguyên . Chiến dịch Play Me năm 1965 là một minh chứng. Lúc đó ở Tây Nguyên ngoài lực lượng quân Ngụy, địch còn có Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 . Đây là Sư đoàn sừng sỏ nhất của Quân đội Mỹ . Âm mưu của địch ở Tây Nguyên lúc đó là phát hiện bộ đội chủ lực của ta ở đâu thì dùng Sư đoàn này đổ bộ , bao vây tiêu diệt . Để tiêu diệt lực lượng này của địch , ông đã cùng Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên xây dựng phương án tác chiến của Chiến dịch Play Me , lập thế trận , nhử cho Quân Mỹ đến để tiêu diệt và Ông cùng Thượng tá Nguyễn Hữu An trong Bộ chỉ huy tiền phương của Mặt trận Tây Nguyên trực tiếp chỉ huy đánh quân Mỹ trong chiến dịch Play Me . Chiến dịch đã diễn ra đúng như dự kiến của ta . Chỉ trong vòng 38 ngày đêm liên tục chiến đấu ( từ 19/10 đến 26/11/1965 ), bộ đội chủ lực Tây Nguyên đã tiêu diệt một Tiểu đoàn quân Mỹ , đánh thiệt hại một Tiểu đoàn Mỹ khác cùng một số Tiểu đoàn quân Nguỵ . Đây là lần đầu tiên trên chiến trường Tây Nguyên ta đã tiêu diệt được một Tiểu đoàn quân Mỹ. Chiến thắng này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với bộ đội Tây Nguyên lúc đó là dám đánh Mỹ và thắng Mỹ . Chiến thắng này cũng đã gây một cú sốc lớn đối với quân Mỹ .
Rồi đến Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972 , trên cương vị là Chính ủy Sở chỉ huy tiền phương của Mặt trận Tây Nguyên ông đã cùng với Tư lệnh Nguyễn Mạnh Quân chỉ huy Chiến dịch này giành chiến thắng vang dội . Lần đầu tiên bộ đội Tây Nguyên đã tiêu diệt một Sư đoàn lính Ngụy ( Sư đoàn 22 ) ở căn cứ 42 - Tân Cảnh . Diệt và bắt gần 1000 tên địch , trong đó diệt tên Sư đoàn trưởng Lê Đức Đạt , bắt sống tên Sư đoàn phó Vi Văn Bình cùng rất nhiều sỹ quan trong Bộ Tư lệnh Sư đoàn 22 , giải phóng một vùng rộng lớn kéo dài từ Play Cần tới Võ Định dài tới 60 km . Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 , trên cương vị Chính ủy Chiến dịch ông đã cùng tập thể Bộ Tư lệnh Chiến dịch bày binh , bố trận đánh một trận thật xuất sắc , chỉ trong thời gian chưa đầy một tháng ( từ 4/3/75 đến 3/4/75 ) , ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng địch của Quân đoàn 2 và Quân khu 2 địch. Giải phóng toàn bộ Tây Nguyên. Chiến dịch này đã tạo ra thời cơ chiến lược mới cho ta , tạo tiền đề để Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định giải phóng miền Nam trong năm 1975 .
Sau này ở cương vị Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ngoài việc chăm lo giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội , ông còn luôn quan tâm , chăm lo chính sách hậu phương Quân đội, trăn trở với những nỗi đau mất mát không gì có thể bù đắp được của các gia đình có người thân hy sinh ở ngoài Mặt trận . Ít ai biết được đề án “ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng “ xuất sứ từ ông . Chuyện là một lần làm việc với Tổng bí thư Đỗ Mười về việc tìm kiếm , cất bốc , quy tập hài cốt các Liệt sỹ hy sinh trong các cuộc chiến , sau khi nghe Tổng bí thư Đỗ Mười nói , Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp có kể câu chuyện của gia đình ông : Gia đình ông cũng có một người em trai hy sinh tại Mặt trận Quảng Trị : “ một lần về quê, mẹ ông nói : Con là Tướng mà sao con không tìm được em con đưa về cho mẹ thì nói làm gì ! Kể từ ngày em trai báo tử mẹ vẫn đắp chiếc chăn chiên ngày xưa chú em đắp , khi cụ mất gia đình cũng lấy chiếc chăn này để khâm liệm cho cụ “
Khi nghe Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp kể, Tổng bí thư Đỗ Mười nói : “ Đúng đấy ! Cụ mắng cậu là phải. Ở bất cứ nơi đâu, người mẹ liệt sỹ nào cũng vậy thôi, chính các mẹ là người hy sinh lớn nhất. Ở nước ta đã có hàng ngàn bà mẹ đã hiến dâng tất cả những người thân yêu nhất của mình cho Tổ Quốc …Phụ nữ Việt Nam luôn luôn là niềm tự hào của dân tộc ta “ . Từ sau khi nghe Tổng bí thư Đỗ Mười nói và từ suy nghĩ về chính người mẹ của ông , Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp đã hình thành ý tưởng , ông chỉ đạo Cục chính sách- Tổng Cục Chính trị xây dựng đề án “ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng “ . Đây là một đề án rất nhân văn nhằm tôn vinh sự hy sinh lớn lao của những người mẹ với Đất nước. Từ đề án của Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 28 tháng 8 năm 1994 , ủy ban Thường vụ Quốc hội đã công bố Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng “
Là một cán bộ cấp cao nhưng ông sống rất giản dị, rất gần gũi với lính , ông thường xưng hô với cán bộ cấp dưới tớ - cậu rất thân mật, những năm Tây Nguyên khó khăn ông cũng ăn cơm độn sắn như lính . Năm 1973 , mặt trận Tây Bắc Kon Tum rất ác liệt , bom pháo địch suốt ngày đêm bắn vào trận địa chốt của ta . Không sợ hiểm nguy , ông ra tận chốt phía trước nơi bộ đội Trung đoàn 28 đang chốt giữ , động viên bộ đội, sẻ chia với lính những khó khăn gian khổ trong chiến đấu và trong cuộc sống . Trước trận đánh vào căn cứ Sư đoàn 22 địch ở Tân Cảnh, ông cùng trinh sát bò vào tận bên trong căn cứ để nắm tình hình . Khi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 - Phùng Bá Thường dẫn quân vào trinh sát rồi báo cáo lại với ông , ông bảo với Trung đoàn trưởng Phùng Bá Thường các cậu phải vào nữa đi vì chỗ này mình cũng đã đến . Nghe ông nói vậy , Trung đoàn trưởng Phùng Bá Thường tiếp tục cùng trinh sát , tác chiến bò sâu vào trong căn cứ 42 và Trung đoàn trưởng Phùng Bá Thường đã lấy về từ trong căn cứ Sư đoàn 22 hai chiếc đĩa và 3 chiếc chén rồi đem tặng Chính ủy Mặt trận Cánh Đông - Đặng Vũ Hiệp để minh chứng với Chính ủy Hiệp là mình đã vào tận bên trong căn cứ Sư đoàn 22 . Ba chiếc chén và 2 chiếc đĩa này gia đình cố Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp vẫn còn giữ đến tận bây giờ .
Năm nay Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp ra đi đã tròn 15 năm ( ông mất năm 2008 ), nhưng hình ảnh ông vẫn luôn sống mãi với tất cả những người Lính Tây Nguyên . Ông đúng là một người Tướng mẫu mực của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.
Nhận xét
Đăng nhận xét