TRẬN BUÔN MA THUỘT NGÀY 10 VÀ 11/3/1975
Nguyễn Đình Thi- Sư đoàn 10
Có lẽ mãi mãi về sau này trận Buôn Ma Thuột sẽ đi vào lịch sử của dân tộc ta như một mốc son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước . Nó đã mở ra một trang sử mới , đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta bước sang bước ngoặt mới .
Là người trực tiếp tham gia trận chiến đánh vào mục tiêu quan trọng nhất của địch ở thị xã Buôn Ma Thuột là Sở chỉ huy Sư đoàn 23 trong suốt 2 ngày 10 và 11/3/1975 , tác giả xin kể lại trận đánh này . Mời các bạn đón đọc.
Phần I
MƯU KẾ VÀ CÁCH BÀY BINH BỐ TRẬN CỦA TA TRONG TRẬN BUÔN MA THUỘT
Sau nhiều lần bàn bạc , nghiên cứu , ngày 9/1/1974 , Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định chọn Thị xã Buôn Ma Thuột là trận đánh mở màn cho chiến dịch mùa Xuân năm 1975 .
Phải nói việc chọn Buôn Ma Thuột làm trận then chốt mở đầu của chiến dịch xuân- hè năm 1975 của Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương là một sự lựa chọn sáng suốt .
Vì : so với các thị xã ở Tây Nguyên là PLay Cu , Kon Tum và Gia Nghĩa thì Buôn Ma Thuột có vị trí chiến lược quan trọng hơn . Chiếm được Buôn Ma Thuột ta có thể phát triển theo đường 21 xuống phía Đông tới quốc lộ 1 , chia cắt chiến lược giữa miền Trung với miền Nam , phát triển theo đường 14 tới Gia Lai và Kon Tum . Chiếm được Buôn Ma Thuột ta mở thông hành lang chiến lược từ miền Bắc vào miền Đông Nam Bộ . Mặt khác Buôn Ma Thuột là trung tâm chính trị , kinh tế , văn hoá của Tây Nguyên , trong 4 thị xã của Tây Nguyên là Kon Tum , PLay Cu , Ban Ma Thuột , Gia Nghĩa thì " Buôn Ma Thuột có giá trị hơn cả 3 thị xã kia gộp lại " ( lời Nguyễn Văn Thiệu - Tổng thống Việt Nam Cộng hoà ) . Về quân sự , địch ở Buôn Ma Thuột phòng thủ yếu , lâu nay ở Tây Nguyên chiến sự thường diễn ra chủ yếu ở Kon Tum và Play Cu nên việc phòng thủ của địch cũng chủ yếu ở hướng này . Tại Kon Tum và PLay Cu địch có 2 Trung đoàn ( E44 và E45 ) , 6 liên đoàn biệt động quân tương đương một Sư đoàn , trong khi ở Buôn Ma Thuột địch chỉ có Trung đoàn 53 , 3 tiểu đoàn địa phương quân , một chi đội thiết giáp , 1 đại đội pháo binh , 2 đại đội trinh sát dã chiến . Việc chọn Buôn Ma Thuột là mục tiêu tấn công mở màn cho chiến dịch mùa xuân năm 1975 là ta đã thực hiện đúng phép dùng binh : tránh đánh nơi mạnh , đánh vào nơi yếu của địch . Sau trận Buôn Ma Thuột , các nhà bình luận Phương Tây đã phải thốt lên : " Chỉ riêng việc đó thôi ( tức việc chọn Buôn Ma Thuột ) đã là thiên tài rồi "
Về phía địch , tuy có nắm được một số thông tin ta sẽ tấn công Buôn Ma Thuột như chúng bắt được một hàng binh của ta khai : " Sư 10 đã hành quân xuống phía Nam chuẩn bị đáng Đức Lập , Sư 320 sang phía Tây IAHLEO chuẩn bị đánh Thuần Mẫn , một lực lượng khác đang chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột " , rồi chúng nhặt được cuốn sổ tay của một Trung đội trưởng thông tin của Sư đoàn 316 ghi rất rõ ngày vượt đường 14 để chuẩn bị cho trận Buôn Ma Thuột và một số thông tin thu thập qua mạng lưới tình báo , qua các máy bay trinh sát nhưng do bị mắc lừa bởi công tác nghi binh của ta , đến tận trưa ngày 9/3 , nghĩa là trước giờ ta nổ súng tấn công Buôn Ma Thuột hơn 10 tiếng đồng hồ , khi đến Buôn Ma Thuột họp với Vũ Thế Quang - Tư lệnh Mặt trận Buôn Ma Thuột và Nguyễn Trọng Luật tỉnh trưởng tỉnh Đắc Lắc , Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân đoàn 2 địch vẫn cho rằng nếu ta có đánh ở Buôn Ma Thuột cũng chỉ là đánh nhỏ , đánh nghi binh , đánh chính của ta vẫn là ở hướng PLay Cu và Kon Tum . Tại cuộc họp này Phú nói với Nguyễn Trọng Luật và Vũ Thế Quang : " Việt cộng nếu có tấn công cũng chỉ là đánh nhỏ " , khi Vũ Thế Quang hỏi Phú : " Nếu tiến công vào Buôn Ma Thuột thì bao giờ Việt cộng sẽ bắt đầu ? " . Tướng Phạm Văn Phú trả lời : " Có sớm cũng phải giữa tháng 4 " . Tại cuộc họp , Vũ Thế Quang đã báo cáo với Phú kế hoạch phòng thủ thị xã Buôn Ma Thuột như sau :
- Phía Bắc có Trung tâm Huấn luyện Sư đoàn 23 bộ binh .
- Phía Nam có Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 bộ binh
- Phía Đông có Bộ chỉ huy Chi khu Ban Mê Thuột.
- Phiá Tây, vùng nguy hiểm nhất, có hậu cứ của Thiết đoàn 8 Thiết giáp và Kho đạn Mai Hắc Đế.
- Trừ bị cho Buôn Ma Thuột là Trung đoàn 53 đóng tại phi trường Phụng Dực.
Ngoài lực lượng trên địch còn có một lực lượng lớn của cảnh sát Quốc gia , bảo an dân vệ bố phòng ở nhiều nơi trong Thị xã.
Về phía ta , để chuẩn bị cho trận Buôn Ma Thuột , ngay từ giữa tháng 10/1974 ( trước ngày tấn công Buôn Ma Thuật tới gần 5 tháng ) , Bộ Tư lệnh Mặt trận đã bí mật tổ chức cho Trung đoàn 7 công binh của Mặt trận và tiểu đoàn 17 công binh Sư đoàn 10 dời cánh Bắc ở Kon Tum xuống cánh Nam ở Buôn Ma Thuột mở các con đường ô tô để chuẩn bị phục vụ cho chiến dịch . Tiếp đó đầu tháng 12 các đoàn trinh sát của Mặt trận rồi của các Sư đoàn : 10 , 316 , 320 và các Trung đoàn pháo binh , công binh , xe tăng , pháo cao xạ , công binh cũng lên đường trinh sát Buôn Ma Thuột , Đức Lập . Các cơ sở của ta ở thị xã Buôn Ma Thuột cũng cung cấp thêm cho Mặt trận nhiều thông tin về tình hình địch ở Buôn Ma Thuột . Sau khi nghiên cứu việc bố phòng của địch tại Buôn Ma Thuột , Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã đề ra phương thức tác chiến và cách đánh Buôn Ma Thuột như sau :
Bước 1 : tổ chức một chiến dịch nghi binh bắt đầu từ tháng 11/1974 đến tận ngày nổ súng đánh Buôn Ma Thuột - 10/3/1975 , nhằm thu hút quân chủ lực của địch về Bắc Tây Nguyên , không cho địch biết ý định ta tấn công Buôn Ma Thuột ( kế NGHI BINH )
Bước 2 : Dùng lực lượng bao vây , chia cắt Buôn Ma Thuột từ các ngả : đường 14 , đường 21 , đường 19 , sau đó dùng lực lượng đặc công lót sẵn đánh chiếm 2 sân bay ở Buôn Ma Thuột , không cho địch lợi dụng hai sân bay này để đổ quân tiếp viện . ( kế CHIA CẮT )
Bước 3 : Tập trung binh , hỏa lực từ 5 hướng đánh thẳng vào thị xã , trong đó tổ chức một mũi đột kích binh chủng hợp thành mạnh đánh thẳng vào cơ quan chỉ huy đầu não của địch ở thị xã là Sở chỉ huy Sư đoàn 23 .
Về lực lượng của ta trực tiếp tham gia trận đánh Buôn Ma Thuột gồm có : Sư đoàn 316 ( Sư đoàn 316 từ Nghệ An được một Trung đoàn ô tô chuyển vào Tây Nguyên ngày 3/2/1975) , Trung đoàn 95B của Sư đoàn 325 ( Trung đoàn 95 cũng từ Cam Lộ được lệnh bổ xung vào cho Mặt trận Tây Nguyên ) , Trung đoàn 198 đặc công , Tiểu đoàn 4 - Trung đoàn 24 - Sư đoàn 10 . Nhiệm vụ của các đơn vị như sau :
- Trung đoàn 149 ( Sư đoàn 316 ) đánh vào Buôn Ma Thuột từ hướng Nam . Hướng này do Sư trưởng 316 - Đàm Nguỵ chỉ huy
- Trung đoàn 174 ( Sư đoàn 316 ) đánh vào Buôn Ma Thuột từ hướng Tây Nam . Hướng này do đồng chí Đại tá Hải Bằng chỉ huy
- Trung đoàn 148 ( Sư đoàn 316 ) đánh vào khu pháo binh , khu thiết giáp ở hướng Tây Bắc . Hướng này do Sư đoàn phó Sư đoàn 316 - Nguyễn Thơi chỉ huy .
- Trung đoàn 95B được tăng cường 4 xe tăng , 5 xe thiết giáp K63 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Tụ và chính ủy Thọ chỉ huy đánh hướng chủ yếu từ phía Bắc vào tiểu khu Đắc Lắc và Toà thị chính .
- Tiểu đoàn 4 - Trung đoàn 24 - Sư đoàn 10 do Trung đoàn phó Trung đoàn 24 - Trương Văn Việt chỉ huy được sự hỗ trợ của 8 xe tăng , 8 xe bọc thép K63 , một tiểu đoàn pháo cao xạ là mũi thọc sâu chính đánh từ hướng Tây vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 . Cách đánh của mũi tấn công này là : đánh lướt qua các mục tiêu bên ngoài , sau đó thọc thẳng vào Sở chỉ huy đầu não của địch là Sở chỉ huy Sư đoàn 23 , làm náo loạn chỉ huy , tạo điều kiện cho các đơn vị tấn công tiêu diệt địch . Mũi tiến công của Trung đoàn 95B và tiểu đoàn 4 - Trung đoàn 24 do Sư phó Sư đoàn 10 - Quốc Biên chỉ huy
- Trung đoàn đặc công 198 do Trung đoàn trưởng Trần Kình và chính ủy Lê Văn Tích chỉ huy . Trong đó Tiểu đoàn 4 đánh sân bay Thị xã và kho Mai Hắc Đế , Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 27 ( thiếu đại đội 18 ) có nhiệm vụ đánh sân bay Hoà Bình và căn cứ 53 .
Trong tất cả các mũi tấn công của ta vào Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 thì chỉ có các mũi tấn công của Trung đoàn 149 và mũi tấn công của Trung đoàn đặc công 198 đánh vào sân bay Hoà Bình và kho Mai Hắc Đế là không có xe tăng đi cùng , các mũi khác đều có xe tăng .
Ngoài các đơn vị trực tiếp đánh Thị xã Buôn Ma Thuột như trên , Bộ Tư lệnh Mặt trận còn sử dụng Sư đoàn 320 đánh chặn địch trên đường 14 đoạn Thuần Mẫn , Trung đoàn 25 cắt đường 21 ở Khánh Dương . Sư đoàn 10 ( thiếu Trung đoàn 24 ) đánh Đức Lập ở phía Tây Buôn Ma Thuột .
Do Chiến dịch Tây Nguyên có một ý nghĩa rất quan trọng là chiến dịch mở màn cho cuộc tấn công của ta trong năm 1975 nên Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định điều đồng chí Thiếu tướng Hoàng Minh Thảo trước đây là Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên , năm 1974 chuyển về Quân khu 5 làm Phó Tư lệnh nay được điều trở lại làm Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên , Đại tá Đặng Vũ Hiệp - Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên được chỉ định là Bí thư Đảng ủy và Chính ủy . Thiếu tướng Vũ Lăng , các Đại tá Nguyễn Năng , Phan Hàm , Nguyễn Lang làm Phó Tư lệnh . Đại tá Phí Triệu Hàm là Phó Chính ủy
Để đảm bảo cho trận đánh quan trọng này ngoài Sở chỉ huy chính , Bộ chỉ huy chiến dịch cũng quyết định thành lập thêm Sở chỉ huy phía Bắc đặt cách Buôn Ma Thuột 8 km , Sở chỉ huy này do Phó Tư lệnh - Nguyễn Năng chỉ huy . Khác với các trận đánh khác , trong trận đánh này Bộ chỉ huy Chiến dịch chỉ huy trực tiếp tới cả 5 hướng tấn công vào Buôn Ma Thuột .
Nhằm phát hiện lực lượng chủ lực của ta ở hướng Buôn Ma Thuột , ngày 19/2/1975 , Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân đoàn 2 của địch đã quyết định đưa Trung đoàn 53 ra khu vực Quảng Nhiêu , Buôn Hồ lùng sục , đồng thời đưa Trung đoàn 45 từ PLay Cu lên YAHLEO lùng sục nhằm phát hiện lực lượng chủ lực của ta . Phải nói việc địch đưa quân ra lùng sục ở thời điểm này đã gây không ít khó khăn cho ta vì đúng vào lúc các đơn vị của ta đang ráo riết làm công tác chuẩn bị cho trận đánh . Để không cho địch phát hiện được lực lượng của ta , Bộ Chỉ huy chiến dịch chỉ đạo Sư đoàn 320 lùi sâu về phía Tây đường 14 , chỉ để một bộ phận trinh sát bám địch , đồng thời tung một bức điện giả với nội dung " ...Địch đã bị mắc lừa cho rằng ta sẽ đánh Buôn Ma Thuột nên đã điều quân xuống phía Nam " . Sau 11 ngày lùng sục không phát hiện được lực lượng ta lại nhận được bức điện giả trên . Sợ bị ta lừa , ngày 3/3/1975 , Phạm Văn Phú đã vội vã rút Trung đoàn 45 trở lại PLay Cu
Có thể nói vào thời điểm chuẩn bị đến ngày nổ súng tấn công Buôn Ma Thuột là thời điểm rất căng thẳng đối với ta , chỉ cần một sơ xuất nhỏ của một người hay một đơn vị vào lúc này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cả trận đánh . Để triệt để không cho địch phát hiện hướng tấn công của ta ở Buôn Ma Thuột , Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ đạo Sư đoàn 968 đang đứng chân tại Kon Tum và Gia Lai tiến hành các hoạt động đánh nghi binh . Từ ngày 1/3/1975 , Sư 968 một Sư đoàn từ Lào được bổ xung cho Tây Nguyên ngày 15/1/1975 đã tổ chức tấn công một loạt cứ điểm của địch quanh thị xã Play Cu như điểm cao 605 , Căn cứ Chư Côi , Chư Ka Ta , Đồn Tầm , Chốt Mỹ , ngày 4/3/1975 , tổ chức bắn pháo lớn vào Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 địch và sân bay Cù Hanh ở thị xã PLay Cu . Những trận đánh nghi binh này của Sư đoàn 968 đã có tác dụng rất lớn , làm cho địch lầm tưởng rằng ta đánh như vậy là để chuẩn bị cho trận đánh lớn vào thị xã Play Cu và Kon Tum và càng củng cố cho nhận định của Phạm Văn Phú là Cộng sản sẽ đánh PLay Cu và Kon Tum chứ không phải Buôn Ma Thuột . Ngay sau khi nhận được báo cáo Cộng sản đang pháo kích vào sân bay PLay Cu , Phạm Văn Phú lúc này còn đang ở Nha Trang đã ra lệnh thiết quân luật 24/24 giờ tại PLay Cu và Kon Tum , đồng thời hủy luôn kế hoạch điều Trung đoàn 45 từ PLay Cu về Buôn Ma Thuột . Đến lúc này có thể nói địch hoàn toàn bị ta lừa bởi những KẾ NGHI BINH của ta .
Về phía ta có một khó khăn lớn là việc đưa xe tăng , pháo binh vào tham chiến ở Buôn Ma Thuột . Muốn đưa được xe tăng , pháo binh vào Buôn Ma Thuột ngoài việc phải giữ bí mật cho xe tăng ta phải làm cầu phao vượt sông Sê Rê Pốc . Đây là một con sông khá rộng và có độ dốc lớn . Nếu mở bến , bắc cầu phao sớm chắc chắn máy bay trinh sát địch sẽ phát hiện được và nếu chúng phát hiện được bến phà và cầu phao chúng sẽ nghi ta đánh lớn vào Buôn Ma Thuột . Để không cho địch biết được ta sẽ đưa xe tăng vào tham chiến ở Buôn Ma Thuột . Sau khi nghiên cứu , tính toán kỹ , Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định : lúc pháo binh bắn vào Buôn Ma Thuột , lợi dụng tiếng pháo nổ , công binh cho nổ bộc phá làm bến phà cho xe tăng vượt sông , đồng thời chỉ đạo cho công binh : cây trên đường xe tăng xuất kích không được cưa đổ , chỉ được cưa 3/4 thân cây , khi xe tăng xuất kích chỉ cần húc nhẹ là cây đổ . Với việc đưa được cả một Trung đoàn xe tăng cùng một lực lượng lớn pháo binh , pháo cao xạ vào Buôn Ma Thuột tham chiến mà địch hoàn toàn không biết gì có thể nói đây là một thắng lợi lớn của ta . Vũ Thế Quang - Tư lệnh Mặt trận Buôn Ma Thuột khi bị ta bắt đã thú nhận : " Sáng ngày 10/3 , khi được tin các nơi báo về xe tăng của các ông xuất hiện trên đường phố tôi hoàn toàn bất ngờ , không hiểu bằng cách nào các ông đã đưa được xe tăng vào đây "
Sau một loạt các biện pháp nghi binh và những trận đánh nghi binh của Sư đoàn 968 ở PLay Cu và Kon Tum ta đã cuốn địch về hướng PLay Cu và Kon Tum . Thời cơ để ta thực hiện đánh chia cắt địch ở Buôn Ma Thuột đã tới . Sáng ngày 4/3/1975 , Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho Trung đoàn 95A nổ súng tấn công , cắt đứt đường 19 đoạn từ Playbon đến Phú Yên và lệnh cho Sư đoàn 3 - Quân khu 5 tổ chức cắt đứt đường 19 đoạn từ Thanh An đến cầu 13 . Việc ta cho cắt đường 19 trước càng làm cho địch nghi ngờ ta sẽ đánh PLay Cu chứ không phải Buôn Ma Thuột .
Ngày 5/3/1975 , trung đoàn 25 do Trung đoàn trưởng Lộ Khắc Tâm chỉ huy cũng được lệnh cắt đứt đường 21 từ Nha Trang đi Buôn Ma Thuột ở đoạn Chư Cúc .
Trên tuyến Quốc lộ 14 , ngày 7/3/1975 , Trung đoàn 48 - Sư đoàn 320 đã nổ súng tấn công Chư Sê , ngày 8/3 tiếp tục tấn công Cẩm Ga và thị trấn Thuần Mẫn . Ngày 9/3/1975 , Trung đoàn 64 - Sư đoàn 320 tấn công thị trấn Buôn Hồ . Cắt đứt hoàn toàn đường 14 từ PLay Cu về Buôn Ma Thuột .
Ở hướng đường 14 phía Tây , từ Buôn Ma Thuột đi Thị xã Gia Nghĩa , sáng 9/3 , Sư đoàn 10 nổ súng tấn công Quận lỵ Đức Lập , cắt đứt đường 14 từ Đức Lập về Buôn Ma Thuột .
Như vậy đến ngày 9/3/1975 , ta đã hoàn thành KẾ CHIA CẮT, vây hãm Buôn Ma Thuột . Buôn Ma Thuột lúc này tuy chưa bị tấn công nhưng đã bị cô lập hoàn toàn về mặt đường bộ .
Ngày 7/3/1975 , một số đơn vị của Sư đoàn 316 ở xa Buôn Ma Thuột như Trung đoàn 174 , 149 đã bắt đầu hành quân tiến về Buôn Ma Thuột . Đêm 9/3/1975 , dù phải len lỏi vượt qua các đồn bốt , chòi canh của địch nhưng các mũi tấn công của ta trên cả 5 hướng cơ bản đã tiếp cận được thị xã .
PHẦN II
ĐÁNH CHIẾM SÂN BAY THỊ XÃ VÀ KHO MAI HẮC ĐẾ
2 giờ sáng ngày 10/3/1975 , theo đúng kế hoạch , các trận địa hỏa tiễn H12 , ĐKB của ta được lệnh bắn phá cấp tập vào các mục tiêu quân sự của địch ở trong thị xã như : Sở chỉ huy Sư đoàn 23 , Tiểu khu Đắc Lăc , khu thiết giáp , khu pháo binh . Có thể nói chưa bao giờ ở Tây Nguyên trong một trận đánh pháo binh của ta lại bắn nhiều đến vậy . Cả Thị xã Buôn Ma Thuột chìm trong khói bom đạn . Theo hiệp đồng , trong lúc pháo binh bắn phá , Trung đoàn 198 - đặc công sẽ nổ súng tấn công các mục tiêu được giao là sân bay Thị xã, sân bay Hoà Bình và kho Mai Hắc Đế .
Tại sân bay thị xã , lực lượng địch bảo vệ ở đây có Đại đội cảnh sát dã chiến 206 do Đại uý Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ huy , hai trung đội nghĩa quân , phía Bắc sân bay còn có một Đại đội thám sát . Tổng quân số ở đây khoảng 350 tên . Lúc 11 giờ đêm ngày 9/3 , dưới sự chỉ huy của Trung đoàn phó Trung đoàn 198 - Bùi Minh Hiếu và tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 4 - Bùi Duy Biều cả đội hình tiểu đoàn 4 đã vào ém sát các mục tiêu an toàn . 2 giờ 7 phút , ba đại đội 1, 3, và đại đội 18 từ ba hướng đã được lệnh đánh thẳng vào sân bay . Đại đội phó đại đội 3 đã dùng AK bắn vỡ các bóng đèn ở khu bảo vệ , tiếp đó bộ đội ta dùng bộc phá , thủ pháo , B41 , AK tiêu diệt nhiều mục tiêu của địch . Cuộc chiến diễn ra rất quyết liệt suốt từ 2 giờ đêm tới 6 giờ sáng , ta và địch giành giật với nhau từng mục tiêu trong sân bay , trong lúc tiến công đại đội 3 phát hiện địch đưa máy bay trực thăng ra ngoài chạy trốn , lập tức đại đội trưởng đại đội 3 cho tập trung hỏa lực B40 , B41 tấn công , phá hủy 3 máy bay trực thăng , diệt luôn cả bọn phi công . Đến 9 giờ sáng ngày 10/3 , tiểu đoàn 4 đã chiếm được khu nhà điều hành sân bay và một số mục tiêu ở phía Nam và Tây Nam sân bay . Bị ta đánh mạnh địch lúc này phải co cụm về một góc sân bay . Phối hợp với đại đội 1 và đại đội 3 , mũi tấn công do Thân Văn Hành của đại đội 18 - tiểu đoàn 27 chỉ huy đánh thẳng vào phía Bắc sân bay , chiếm được trục đường chính , mở thông đường cho xe tăng ta tiến vào thị xã . Thấy nguy cơ sân bay bị ta chiếm giữ , địch đưa lực lượng thám sát và Đại đội 1 của Tiểu đoàn 224 ở phía ngoài sân bay vào kết hợp với lực lượng còn lại trong sân bay tiến hành phản kích . Máy bay , pháo binh địch lúc này cũng tập trung bắn phá vào khu vực Tiểu đoàn 4 . Cuộc chiến giữa Tiểu đoàn 4 với quân địch diễn ra rất ác liệt . Đến trưa ngày 10/3 , địch đẩy lui lực lượng Tiểu đoàn 4 về một góc sân bay , chiếm lại được khu Chỉ huy sân bay . Trước tình hình Tiểu đoàn đặc công 4 gặp khó khăn , lúc 15 giờ ngày 10/3 , Bộ chỉ huy Chiến dịch quyết định điều 3 xe tăng của đại đội tăng 4 đang đi cùng cánh quân của Trung đoàn 95B đánh vào Tiểu khu Đắc Lắc sang hỗ trợ cho Tiểu đoàn 4 đánh chiếm sân bay . Được sự tiếp sức của 3 xe tăng T54 , Tiểu đoàn 4 đặc công đã tổ chức phản công , đánh bật được quân địch ra khỏi sân bay . Đến 19 giờ ngày 10/3 , Tiểu đoàn làm chủ hoàn toàn sân bay thị xã , phá hủy và thu giữ 8 máy bay trực thăng , hai kho đạn, một kho xăng , thu hàng trăm súng các loại . Trong trận đánh sân bay thị xã Tiểu đoàn 4 đã có 18 đồng chí hy sinh , 30 đồng chí bị thương .
Ở hướng tấn công vào kho Mai Hắc Đế . Đây là một tổng kho lớn nhất của quân đội Nguỵ ở Tây Nguyên . Bên trong khu kho có tới 64 nhà kho và nhiều bãi kho lộ thiên , trữ lượng kho chứa tới 12 vạn tấn bom , đạn . Do tầm quan trọng đặc biệt của kho đạn Mai Hắc Đế nên địch bố phòng ở đây rất cẩn mật: Vòng ngoài có 5 hàng rào thép gai, tiếp đến là hàng rào tôn cao 2,5m . Phía trong hàng rào tôn là hào chống đặc công sâu 3m rộng 4m, dưới có chông tre và mìn díp. Qua hào là đường tuần tra rộng tới 5m , xung quanh kho cứ cách 50m chúng lại bố trí một lô cốt , tại các lô cốt này chúng bố trí rất nhiều hỏa lực . Phía ngoài hàng rào được chúng phát quang rộng tới 200 m và được bố trí một hệ thống đèn pha dày đặc , chiếu sáng tới hàng km . Lực lượng địch bảo vệ ở đây có một Đại đội bộ binh , 5 xe thiết giáp M113 . Do ý nghĩa quan trọng của việc đánh chiếm kho Mai Hắc Đế vì đây sẽ là một nguồn cung cấp súng , đạn lớn cho ta nên Bộ chỉ huy chiến dịch đã giao cho Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 4 đặc công đảm nhiệm . Đại đội 2 ngoài số vũ khí trang bị còn được tiểu đoàn 4 tăng cường một khẩu đội cối 82 ly và 2 khẩu B41 . Đêm 9/3 , dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn phó - Lê Mạnh Hùng và đại đội trưởng Trình , 38 chiến sỹ đặc công của đại đội 2 được lệnh xuất kích . 23 giờ đêm toàn đại đội đã vào tới sát hàng rào khu kho . Để đưa được toàn bộ đại đội vào trong khu kho , Đại đội Trình liền đưa một tổ lên khắc phục vật cản , đào một lỗ phía dưới hàng rào tôn để bộ đội chui vào . Tổ khắc phục vật cản đang thực hiện nhiệm vụ thì bị địch đi tuần thấy động , bắn và ném lựu đạn ra , làm mũi phó Ngải hy sinh tại chỗ , chiến sỹ Sơn bị trọng thương vào đùi . Dù rất đau nhưng được sự động viên của đại đội trưởng Trình và tiểu đoàn phó Hùng , Sơn nghiến răng chịu đau không hề kêu nên địch không phát hiện được đội hình của đại đội . Có một tình huống bất ngờ xảy ra là khi vào trinh sát kho Mai Hắc Đế ta mới vào trinh sát tới khu vực hàng rào tôn bên ngoài còn sau hàng rào tôn địch có một hào chống tăng sâu 3m , rộng 4m ta không nắm được nên khi tấn công bộ đội ta phải công kênh nhau mới vượt lên được hào .
2 giờ 7 phút , sau khi nghe pháo hiệu tấn công của Tiểu đoàn ở sân bay thị xã nổ , đại đội trưởng Trình lệnh cho hai khẩu B41 của đại đội nhằm thẳng hai lô cốt đầu cầu nổ súng . Chớp thời cơ lô cốt đầu cầu bị tiêu diệt các chiến sỹ đại đội 2 đã nhanh chóng dùng bộc phá phá tung 5 lớp hàng rào rồi hình thành 2 mũi đánh vào khu kho . Mũi thứ nhất do đại đội trưởng Trình chỉ huy , mũi thứ hai do đại đội phó Đào Duy Hùng chỉ huy . Mũi thọc sâu do đại đội phó Hùng chỉ huy khi phát triển vào trong đã chia thành hai mũi , mũi một do Trần Văn Đức chỉ huy đánh thẳng vào trung tâm chỉ huy khu kho và trận địa súng cối . Mũi hai do Ma Hồng Đại chỉ huy, đánh về phía bên phải theo đường tuần tra . Từ phía trong , xe thiết giáp tuần tra của địch xông ra phản kích . Cuộc chiến diễn ra quyết liệt ngay từ lúc đầu . Ta và địch giành giật nhau từng ụ súng , nhà kho . Nhiều tên địch đã bị tiêu diệt , tên đại uý Khánh - chỉ huy trưởng kho Mai Hắc Đế trúng đạn bị thương nặng . Sau 30 phút chiến đấu mũi tiến công do đại đội phó Hùng chỉ huy đã chiếm được khu trung tâm chỉ huy kho , bắt được một số tù binh . Khai thác nhanh bọn tù binh chúng cho biết khu kho mới được tăng cường thêm một đại đội . Mũi tấn công do đại đội trưởng Trình chỉ huy sau khi diệt địch ở cửa mở cũng đã phát triển tiến về khu Trung tâm . Cả hai mũi tập trung lực lượng đánh tiếp các nhà kho còn lại . Đến 5 giờ sáng ngày 10/3 , đại đội 2 đã chiếm được 2/3 khu kho Mai Hắc Đế .
6 giờ sáng 10/3 , địch điều 5 xe bọc thép M113 và một đại đội từ ngoài đến phản kích . Cuộc chiến diễn ra rất quyết liệt , đại đội trưởng Trình quyết định chia nhỏ ra các mũi , các tổ , bám vào các công sự , hầm hào , tận dụng vũ khí thu được của địch đánh trả địch . Do chiến đấu liên tục với lực lượng địch đông gấp bội nên nhiều đồng chí đã hy sinh và bị thương trong đó có cả đại đội trưởng Trình , đến 8 giờ trưa ngày 10/3 địch đã chiếm lại khu trung tâm chỉ huy kho . Lực lượng còn lại của đại đội 2 lúc này rút vào một số nhà kho bám trụ chiến đấu . Phát hiện lực lượng của ta còn ít , địch tập trung hỏa lực của xe bọc thép M113 bắn dữ dội vào khu vực các nhà kho bộ đội ta đang bám trụ với quyết tâm tiêu diệt bằng được lực lượng của ta và chiếm lại khu kho . Tuy lực lượng lúc này chỉ còn 18 tay súng nhưng dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn phó Lê Mạnh Hùng , chính trị viên Vũ Tất Đắc và đại đội phó Hùng các chiến sỹ đại đội 2 vẫn kiên cường chiến đấu , chiến sỹ Thăng Quang Hoa, Lưu Kế Xô, Đinh Duy Tùng dùng B40 bắn cháy hai xe M113 . Mặc dù bị bắn cháy 2 xe M113 nhưng địch vẫn tiếp tục đưa các xe ở phía sau lên tấn công . Rất may lúc này một kho đạn pháo trong khu kho trúng đạn phát nổ đã tạo ra bức tường lửa ngăn chặn địch làm cho chúng phải dừng lại . Khoảng 9 giờ sáng 10/3 , phát hiện xe tăng , xe thiết giáp của ta chạy rầm rầm sát khu kho tiến vào thị xã , bộ đội ta thấy vậy khí thế quyết tâm lên rất cao . Tiểu đoàn phó Lê Mạnh Hùng trao đổi với chính trị viên Vũ Tất Đắc và Đại đội phó Đào Duy Hùng quyết định chuyển sang tấn công . Bọn địch ở kho Mai Hắc Đế bị tổn thất nặng qua chiến đấu nay thấy nhiều xe tăng của ta xuất hiện đã rất hoảng loạn nên khi quân ta tổ chức tấn công bọn chúng đã bỏ chạy . Đến lúc 13 giờ , đại đội 2 làm chủ hoàn toàn kho Mai Hắc Đế . Thu nguyên vẹn 50 nhà kho chất đầy súng đạn cùng 30 chiếc xe ô tô vận tải.
PHẦN III
ĐÁNH CHIẾM SÂN BAY HOÀ BÌNH VÀ CĂN CỨ 53
Tại sân bay Hoà Bình và căn cứ 53 . Lúc 2 giờ sáng ngày 10/3 , hai tiểu đoàn 5 và 27 của Trung đoàn 198 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Trần Kình và chính ủy Lê Văn Tích cũng đã nổ súng tấn công sân bay và căn cứ 53 . Sân bay Hoà Bình và căn cứ 53 cách thị xã Buôn Ma Thuột về phía Đông khoảng 8 km . Căn cứ 53 là hậu cứ của Trung đoàn 53 , căn cứ này trước là của lính Mỹ nên được chúng xây dựng rất kiên cố , xung quanh căn cứ là hệ thống hào chống tăng rộng 3 M , cao 2 m , dày 2 m , chống được cả đạn B40 và B41 , trên các bức tường hào là các lô cốt , phía ngoài là 8 lớp hàng rào . Lực lượng địch ở đây có Sở chỉ huy Trung đoàn 53 , tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 53 , một đại đội thám sát của Trung đoàn 53 .
Ngay từ phút đầu nổ súng các chiến sỹ đại đội 17 của Tiểu đoàn 27 đã đánh sập hệ thống điện trong sân bay làm bọn địch trong sân bay rối loạn . Dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Vương Dương Bản , đại đội 17 đã chia thành 3 mũi đánh chiếm các mục tiêu nhà điều không 4 tầng , khu trận địa pháo , các hầm hào , lô cốt trong sân bay . Sau 1 giờ chiến đấu các chiến sỹ Tiểu đoàn 27 đã chiếm được 2/3 sân bay , phá hủy 1 máy bay vận tải CH47 , một máy bay trinh sát OV10 , 13 chiếc máy bay trực thăng UH1 . Bị đánh bất ngờ , không chống đỡ nổi địch rút xuống hầm ngầm cố thủ .
Ở hướng căn cứ 53 , dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Tôn , Tiểu đoàn 5 đã bí mật áp sát hàng rào căn cứ rồi dùng hỏa lực H12 , cối 82 , B40 , B41 tập trung bắn cấp tập vào các mục tiêu trong căn cứ 53 . Sau một giờ chiến đấu, Tiểu đoàn đã chiếm được một số mục tiêu trong căn cứ .
Bị ta tấn công bất ngờ , địch lui về phía sau và rút xuống các hầm ngầm trong căn cứ cố thủ . Sáng ngày 10/3 , phát hiện lực lượng của ta mỏng lại không có pháo binh , xe tăng chi viện . Trung tá Võ Ân - chỉ huy trưởng căn cứ 53 đã tổ chức phản kích , địch đưa bộ binh và xe bọc thép ra bịt các cửa mở rồi gọi pháo binh từ ngã ba đường 21 bắn ác liệt vào khu vực quân ta , trên trời máy bay địch cũng liên tục bổ nhào ném bom vào trận địa của quân ta . Trước sự phản kích mạnh mẽ của địch , Trung đoàn trưởng Trần Kình lệnh cho tiểu đoàn 5 , tiểu đoàn 27 chia thành các nhóm nhỏ , lợi dụng các vật cản đánh trả địch . Cuộc chiến đấu của tiểu đoàn 5 và tiểu đoàn 27 diễn ra rất quyết liệt suốt từ sáng tới chiều ngày 10/3 , ta và địch giành giật từng vị trí ở sân bay và căn cứ 53 . Đến chiều ngày 10/3 , do không được tăng cường thêm lực lượng , đạn cũng còn ít , cộng với có nhiều cán bộ , chiến sỹ thương vong trong đó có cả Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 27 - Nguyễn Đình Tích nên Trung đoàn trưởng Trần Kình cho bộ đội rút về khu vực phía Bắc sân bay cố thủ , chờ lực lượng tăng viện .
Theo kế hoạch ban đầu , cùng đánh vào sân bay Hoà Bình và căn cứ 53 còn có Tiểu đoàn 9 - Trung đoàn 149 - Sư đoàn 316 , nhưng do Tiểu đoàn 9 trên đường tiến về sân bay Hoà Bình và căn cứ 53 phải đánh địch ở Quận Hoà Bình mất nhiều thời gian , tới 17 giờ chiều ngày 10/3/1975 , Tiểu đoàn mới có mặt và gặp được lực lượng của Trung đoàn đặc công 198 đang chốt lại tại phía Bắc sân bay . Tiểu đoàn tổ chức tấn công nhưng vấp phải sự chống trả quyết liệt của địch cũng phải dừng lại . Ngày 11/3 , sau khi giải quyết xong mục tiêu Buôn Ma Thuột , Bộ chỉ huy Chiến dịch quyết định điều Trung đoàn 149 thuộc Sư đoàn 316 được tăng cường đại đội xe tăng 7 và đại đội xe tăng 8 của Trung đoàn xe tăng 273 tổ chức tấn công căn cứ 53 . Ngày 14/3 , Trung đoàn 149 cùng xe tăng tổ chức tấn công căn cứ 53 nhưng bị địch chống trả quyết liệt phải dừng lại . Trước tình hình trên, chiều 16/3 , Bộ chỉ huy chiến dịch điều tiếp Trung đoàn 66 của Sư đoàn 10 vào cùng Trung đoàn 149 tấn công căn cứ 53 . Mãi đến 10 giờ sáng ngày 17/3 , Trung đoàn 66 và Trung đoàn 149 mới chiếm được sân bay Hoà Bình và căn cứ 53 .
PHẦN IV
ĐÁNH CHIẾM TIỂU KHU ĐẮC LẮC VÀ SỞ CHỈ HUY SƯ ĐOÀN 23
Sau đợt bắn phá ban đêm của hỏa tiễn H12 , Pháo ĐKB . 6 giờ 30 sáng ngày 10/3/1975 , hai Trung đoàn pháo binh 40 và 675 của ta lại tiếp tục bắn dữ dội vào các mục tiêu trong thị xã Buôn Ma Thuột . Gần 1000 quả đạn pháo các loại của ta đã được bắn trong sáng ngày 10/3 . Trong lúc pháo binh bắn phá , từ 5 hướng , các mũi tấn công của ta đã được lệnh tấn công .
Ở hướng Đông Bắc của Trung đoàn 95B đánh vào tiểu khu Đắc Lắc , ngay từ lúc 4 giờ sáng ngày 10/3 , Trung đoàn đã sử dụng đại đội 6 của tiểu đoàn 5 tiêu diệt một chốt ngoại vi ở điểm cao 596 . Lợi dụng Tiểu đoàn 4 đặc công của Trung đoàn 198 đánh sân bay thị xã , bộ binh cùng xe tăng của Trung đoàn nhanh chóng vượt qua phía Đông Bắc sân bay rồi hình thành hai mũi đánh theo hai phố Cao Thắng và Phan Chu Trinh để tiến về Ngã 6 . Cuộc chiến tại Ngã 6 rất quyết liệt . Hỏa lực địch từ khu nhà thờ , đường Tự Do và các lô cốt , ụ súng xung quanh khu vực Ngã 6 chống trả rất quyết liệt , Tiểu đoàn 5 bị tổn thất khá nặng , không phát triển lên được . Trước tình hình trên Trung đoàn trưởng Tụ quyết định điều tiếp Tiểu đoàn 4 cùng 4 xe tăng của Đại đội tăng 4 từ phía sau lên , hình thành 2 mũi đột phá vào Ngã 6 . Được sự hỗ trợ của 4 xe tăng , sau hai lần đột phá , Tiểu đoàn 4 đã đánh bật được các mũi chốt chặn của địch , chiếm được Ngã 6 , tiếp tục đánh phát triển về Tiểu khu Đắc Lắc . Tại khu vực Tiểu khu Đắc Lắc địch còn chống trả dữ dội hơn . Tất cả các loại hỏa lực từ súng chống tăng M72 , ĐKZ , M79 , đại liên đều được chúng đưa ra sử dụng . Trên không , máy bay của chúng cũng liên tục bổ nhào ném bom vào đội hình quân ta làm một số cán bộ , chiến sỹ Tiểu đoàn 4 bị thương và hy sinh . Tầm 10 giờ , xe tăng đi đầu số 986 do Trung đội phó Lê Đại Cương chỉ huy , khi tiến đến gần Tiểu khu thì bị địch dùng hỏa tiễn chống tăng M72 bắn cháy . Đây là chiếc xe tăng đầu tiên của ta bị địch bắn cháy trong ngày 10/3 . Phát hiện xe cháy , Trung đội phó Cương chỉ huy các thành viên dời khỏi xe , tổ chức thành một tổ chiến đấu bằng súng bộ binh . Do lúc này hỏa lực địch ở trong khu vực Tiểu khu bắn ra rất dữ dội , sau 20 phút chiến đấu , Trung đội phó Cương trúng đạn hy sinh , chiến sỹ lái xe Đoàn Phan Chương cũng bị thương nặng . Mặc dù địch phản kháng quyết liệt và bị một số thương vong nhưng bộ binh và xe tăng Trung đoàn 95B vẫn kiên cường bám từng ngôi nhà , đường phố chiến đấu . 11 giờ 45 , địch điều 2 xe thiết giáp của Thiết đoàn 8 từ căn cứ ở phía Bắc thị xã đến tăng cường cho Tiểu khu . 2 chiếc xe này vừa đến gần Ngã 6 đã bị quân ta chặn đánh , bắn cháy cả 2 . Đến 15 giờ chiều ngày 10/3 , sau nhiều lần đột phá , Trung đoàn 95B đã chiếm được Tiểu khu Đắc Lắc và chốt giữ lại tại đây .
Ở hướng Tây Bắc của Trung đoàn 148 , khi hành quân vào chiếm lĩnh trận địa gặp địch và bị pháo địch bắn đơn vị phải tổ chức vòng tránh , một vài đơn vị bị lạc , 3 xe tăng của Đại đội tăng 8 cũng bị lạc đến chậm , đến 9 giờ được pháo binh chi viện Trung đoàn tổ chức cho bộ đội lên mở cửa . Do cửa mở hẹp khi xe tăng tiến vào bị dây thép gai quấn vào xích . Địch phát hiện cửa mở chống trả quyết liệt , cán bộ đại đội bị thương vong , trung đội phó Nguyễn Quang Trung vượt dưới làn đạn địch ôm bộc phá lên mở rộng cửa mở rồi dẫn Trung đội cùng xe tăng đánh vào bên trong . Đến 13 giờ , Trung đoàn cùng xe tăng đã chiếm được khu thiết giáp , khu pháo binh và khu hậu cứ tiểu đoàn 1 - Trung đoàn 45 . Trung đoàn đánh phát triển theo đường Phan Bội Châu tiến về ngã Sáu , khi đến khu vực trường Bồ Đề thì bị bọn địch co cụm ở đây chống trả quyết liệt , Trung đoàn liền tổ chức cho xe tăng và bộ binh đột phá , đến 15 giờ ngày 10/3 , Trung đoàn đã chiến được trường Bồ Đề và chùa Khải Hoàn và bắt liên lạc được với cánh quân của Trung đoàn 95B ở ngã Sáu .
Trên hướng Tây Nam của Trung đoàn 174 do dẫn đường chưa tốt nên một số bộ phận đi lạc , đến lúc 5 giờ sáng ngày 10/3 , Trung đoàn mới tổ chức tấn công cứ điểm Chư Duê . Do lúc này xe tăng chưa đến kịp , chỉ có hỏa lực của bộ binh nên mấy lần Trung đoàn tổ chức tấn công vẫn chưa dứt điểm được . Lúc 10 giờ , được xe tăng và pháo binh chi viện , Trung đoàn đã chiếm được căn cứ Chư Duê . Chiếm được Chư Duê , Trung đoàn đánh phát triển theo đường 14 , vòng qua kho Mai Hắc Đế tiến về trung tâm thị xã . Mặc dù bị không quân và pháo binh địch ngăn chặn quyết liệt song vẫn không ngăn chặn được mũi tấn công của Trung đoàn . Đến lúc 17 giờ ngày 10/3 , Trung đoàn đã chiếm được ấp Ba Lê , khu Phạm Ngũ Lão và khu Tham mưu của Sư đoàn 23 .
Trên hướng Nam của Trung đoàn 149 , theo kế hoạch , Trung đoàn chỉ tổ chức một lực lượng bao vây hai cứ điểm của địch là điểm cao 491 và Chư Lom , đây là hai điểm cao rất lợi hại án ngữ đường chiếm lĩnh tấn công của Trung đoàn . Khi tổ chức bao vây , địch chống trả quyết liệt ảnh hưởng tới đường tấn công nên Trung đoàn quyết định tổ chức tấn công tiêu diệt hai căn cứ này . 8 giờ ngày 10/3 , sau khi diệt xong quan địch ở điểm cao 491 và Chư Lom đội hình Trung đoàn bắt đầu tiến đánh thị xã . Mũi tiến quân của tiểu đoàn 7 phát triển theo Đại lộ Thống Nhất đánh về phía nhà thờ Tin lành . Tại đây địch phản ứng quyết liệt , chúng dùng cả không quân ném bom ngăn chặn gây một số thương vong cho tiểu đoàn làm đội hình tiểu đoàn không phát triển lên được , phải dừng lại ở khu cư xá sỹ quan và khu nhà thờ quân đội . Trong lúc Tiểu đoàn 7 đánh phát triển theo đường Phan Bội Châu thì Tiểu đoàn 8 vượt suối YATAM . Lúc đầu Tiểu đoàn phát triển khá thuận lợi , đã đánh chiếm được khu ngân khố , khu tiếp vận và Sở thú y , khi tiến về Tiểu khu Đắc Lắc Tiểu đoàn bị địch ngăn chặn quyết liệt phải dừng lại ở khu cư xá sỹ quan .
Ở hướng Tây của mũi thọc sâu binh chủng hợp thành của Tiểu đoàn 4- Trung đoàn 24 - Sư đoàn 10 . Ngay trong đêm 9/3 , đội hình Tiểu đoàn cùng 8 xe tăng của đại đội tăng 9 và 8 xe bọc thép của Đại đội thiết giáp 6 đã vào tới vị trí tập kết an toàn . 7 giờ sáng ngày 10/3 , trong lúc pháo binh bắn vào các mục tiêu trong thị xã , đội hình của Tiểu đoàn đã nhanh chóng mở thông cửa mở và cùng xe tăng , xe bọc thép dũng mãnh xung phong , đánh vào bên trong căn cứ . Do đây là Sở chỉ huy Sư đoàn 23 - Cơ quan chỉ huy đầu não của địch nên chúng bố trí phòng thủ ở đây khá vững chắc . Lực lượng địch ở đây ngoài lực lượng bảo vệ của Sư đoàn 23 , ngày 1/3/1975 , địch đã tăng cường thêm tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 53 về đây phòng thủ . Chúng dựng lên rất nhiều lô cốt , hầm hào , rào thép gai và chướng ngại vật để chặn quân ta . Sau khi vượt qua cửa mở , Tiểu đoàn nhanh chóng đánh chiếm được khu gia binh , rồi tiến về phía Sở chỉ huy Sư đoàn 23 . Trên đường tiến về Sở chỉ huy Sư đoàn 23 , Tiểu đoàn vấp phải sự chống trả quyết liệt của địch , máy bay của chúng cũng liên tục ném bom vào đội hình tấn công của Tiểu đoàn , gây một số thương vong .
10 giờ trưa 10/3 , địch điều 2 xe M113 từ phía Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ra phản kích . 2 chiếc xe này vừa xuất hiện đã bị xe tăng cùng bộ binh Đại đội 2 do Đại đội trưởng Lê Xuân Chuyển chỉ huy tấn công , truy đuổi . 1 chiếc đã bị xe tăng Đại đội 9 bắn cháy , chiếc còn lại hoảng sợ chạy lên phía Bắc vào rừng cà phê .
10 giờ 30 , mũi tiến công của Tiểu đoàn 4 đã phát triển tới khu truyền tin . Cuộc chiến đấu ở khu vực khu truyền tin diễn ra rất quyết liệt . Mặc dù lúc này đã có tới hơn 50 cán bộ , chiến sỹ của Tiểu đoàn bị thương và hy sinh , trong đó có cả Tiểu đoàn trưởng Trương Quang Oánh hy sinh và Tiểu đoàn phó Bùi Văn Bịn bị thương nhưng bấp chấp hỏa lực địch , bộ đội vẫn cùng xe tăng bám từng căn nhà , từng dãy phố chiến đấu . Tiểu đội cắm cờ của Đại đội 3 do Tiểu đội trưởng Bùi Đức Chín chỉ huy , 9 đồng chí lao lên cắm cờ ở đây đều hy sinh và bị thương . Đến 12 giờ 30 , Tiểu đoàn đã chiếm được khu truyền tin . Thấy ở đây có dàn ăng ten to và cao , lại có chữ Sư đoàn 23 , bộ đội ta tưởng đây là Sở chỉ huy Sư đoàn 23 , đã báo về Bộ Tư lệnh chiến dịch , nhưng sau xác định không phải , Sở chỉ huy Sư đoàn 23 còn cách đấy chừng 400 m . Phát triển tiến công Đai đội 1 và Đại đội 3 cùng xe tăng , xe bọc thép đánh phát triển sang khu doanh trại và khu Tiểu đoàn Quân y . 16 giờ ngày 10/3 , Tiểu đoàn 4 đã chiếm xong hai khu vực trên và áp sát Sở chỉ huy Sư đoàn 23 . Sư xuất hiện bất ngờ một lực lượng bộ binh và xe tăng ngay sát Sở chỉ huy Sư đoàn 23 làm cho địch thật sự hoảng hốt .
17 giờ ngày 10/3 , Tiểu đoàn được lệnh dừng lại củng cố công sự , hầm hào chờ sáng 11/3 tiếp tục tấn công .
Về phía địch , lúc 2 giờ sáng ngày 10/3 , nhận được tin , pháo binh của ta đang bắn vào Buôn Ma Thuột , Vũ Thế Quang - Tư lệnh Mặt trận Buôn Ma Thuột đã ra lệnh cho các đơn vị trong thị xã tử thủ và lệnh cho tiểu đoàn 2 - Trung đoàn 53 đang ở Đắc Song nhanh chóng cơ động về ứng cứu Buôn Ma Thuột , đồng thời đề nghị Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân đoàn 2 tăng cường lực lượng và cho không quân đến chi viện . Phạm Văn Phú lúc 4 giờ sáng ngày 10/3 đang ở PLay Cu thì nhận được thông báo của Vũ Thế Quang , Buôn Ma Thuột đang bị pháo kích . Phạm Văn Phú lúc này mới vỡ lẽ , ta đánh PLay Cu vừa qua chỉ để che mắt tấn công Buôn Ma Thuột . Phú chỉ thị cho Vũ Thế Quang cố gắng giữ Buôn Ma Thuột , Phú sẽ cho tăng cường lực lượng và không quân đến chi viện . Ngay sáng 10/3 , Liên đoàn 21 biệt động quân đang đóng quân ở Kon Tum đã được Phú dùng trực thăng cơ động gấp về ứng cứu Buôn Ma Thuột . Nhưng lúc này sân bay thị xã và sân bay Hoà Bình đã bị ta khống chế nên Phú phải đổ Liên đoàn 21 xuống Buôn Hồ . Ngay sau khi tới Buôn Hồ , Phú ra lệnh cho Trung tá Lê Quý Dậu - Liên đoàn trưởng Liên đoàn 21 , ngay trong ngày 10/3 , Liên đoàn 21 phải có mặt trong thị xã để vùng các lực lượng còn lại tái chiếm lại Buôn Ma Thuột . Đêm ngày 10/3 , Liên đoàn 21 biệt động quân về tới phía Đông Buôn Ma Thuột nhưng bị quân ta chặn đánh nên phải dừng lại ở ngoài thị xã .
Về phía ta sau một ngày chiến đấu tuy chưa chiếm được Sở chỉ huy Sư đoàn 23 nhưng hầu hết các mục tiêu trong thị xã ta đã chiếm được . Cả 5 mũi tấn công của ta hiện giờ đã áp sát Sở chỉ huy Sư đoàn 23 và cách Sở chỉ huy Sư đoàn 23 không còn xa chừng 500 đến 600 m . Đêm 10/3 , Bộ chỉ huy Chiến dịch chỉ đạo các đơn vị dừng tấn công , tổ chức củng cố trận địa , bổ xung đạn dược và ra lệnh cho các đơn vị pháo cao xạ đưa pháo vào áp sát thị xã để bảo vệ đội hình tấn công . Cũng ngay trong đêm 10/3 , Bộ chỉ huy Chiến dịch cử Thượng tá Lê Minh - Tham mưu phó Chiến dịch trực tiếp xuống thị xã nắm tình hình và bàn cách đánh cho ngày 11/3 .
7 giờ sáng 11/3 , pháo binh các loại của ta lại cấp tập nã đạn vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 , Toà thị chính . Cả khu vực Sở chỉ huy Sư đoàn 23 và Toà thị chính địch chìm trong khói đạn . Tuy lực lượng địch xung quanh Sở chỉ huy Sư 23 và Toà thị chính lúc này không còn nhiều nhưng bọn chúng được cấp trên thông báo có lực lượng đang đến tăng viện nên bọn này vẫn rất ngoan cố , chống trả quyết liệt . Trên trời , nhiều tốp máy bay A37 của chúng liên tục quần thảo , ném bom ngăn chặn . Bấp chấp bom đạn địch , các cánh quân của ta vẫn dũng mãnh tấn công .
Ở hướng của Trung đoàn 95B , lúc 7 giờ sáng , được sự chi viện của 3 xe tăng và 4 xe thiết giáp , từ Tiểu khu Đắc Lắc , Trung đoàn 95B bắt đầu tổ chức đánh phát triển sang Toà thị chính và Sở chỉ huy Sư đoàn 23 . Trận chiến tại Toà thị chính diễn ra rất quyết liệt , địch dùng đại liên , M79 và súng chống tăng M72 bắn xối xả về hướng quân ta . Xe tăng 982 do chính trị viên Tân chỉ huy vừa tiến đến gần Toà thị chính thì bị địch bắn cháy , 2 xe còn lại cùng bộ binh tiếp tục tấn công nhưng vẫn không phát triển lên được . 10 giờ , sau khi tổ chức lại lực lượng , Trung đoàn 95B chia thành 2 mũi tiến công . Mũi thứ nhất của Tiểu đoàn bộ binh 4 cùng 2 xe tăng 982 và 988 tiến đánh về hướng Nam trường tiểu học Nguyễn Du , sau đó tiến về Sở chỉ huy Sư 23 . Mũi này bị địch chống trả quyết liệt , cả 2 xe 982 và 988 đều bị địch bắn cháy , đội hình không phát triển lên được. Mũi thứ 2 chỉ có 1 xe số 985 do trung đội trưởng Nguyễn Hải Phòng chỉ huy cùng bộ binh đánh phát triển theo đại lộ Thống Nhất để tiến về Sở chỉ huy Sư 23 , mũi tiến quân này cũng bị bộ binh và không quân địch chặn đánh quyết liệt , nhưng bắp chấp bom đạn địch xe 985 vẫn dũng mãnh tấn công . Lúc 10 giờ 30 phút , trên đường tiến sang Sở chỉ huy Sư đoàn 23 , xe 985 phát hiện một xe M113 địch chặn ở phía trước cổng chính Sở chỉ huy Sư đoàn 23 , Nguyễn Hải Phòng lập tức cho xe nổ súng tấn công . Bằng một quả đạn chính xác , xe 985 đã bắn cháy chiếc xe này . 11 giờ trưa ngày 11/3 , sau khi tiêu diệt xong bọn địch chặn đường , xe 985 liền tiến sang Sở chỉ huy Sư 23 . Khi đến Sở chỉ huy Sư 23 thì thấy cánh quân hướng Tây của Tiểu đoàn 4 - Sư đoàn 10 cùng xe tăng đại đội 9 đã chiếm xong Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 .
Ở hướng Tây của mũi thọc sâu Tiểu đoàn 4 - Trung đoàn 24 , lúc 6 giờ , bộ binh và xe tăng cũng bắt đầu từ khu truyền tin đánh sang Sở chỉ huy Sư đoàn 23 , địch dùng xe bồn chứa xăng chắn ngang đường , khi ta nổ súng , xe bồn bốc cháy dữ dội buộc Tiểu đoàn phải đánh vòng sang trái . Không quân địch cũng ồ ạt ném bom ngăn chặn . Mặc bom , đạn địch ngăn chặn quyết liệt nhưng các mũi tấn công của Tiểu đoàn vẫn dũng mãnh tấn công . Mũi tấn công của Đại đội 2 cùng 4 xe tăng tấn công sang trái đường 429 vào khu Liên đoàn vận tải 450 và khu Bộ tham mưu . Mũi tấn công của Đại đội 1 cùng 6 xe bọc thép , 4 xe tăng đánh thẳng theo trục đường 429 vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 . Địch chống trả quyết liệt nhưng vẫn không ngăn chặn được đội hình tấn công của Tiểu đoàn . Tất cả các mục tiêu của địch trên đường 429 và các hỏa điểm địch ở khu liên đoàn vận tải 350 , khu quân y , khu Tham mưu đã nhanh chóng bị tiêu diệt . Tầm 10 giờ , 6 xe tăng của đại đội tăng 9 cùng 6 xe bọc thép của đại đội thiết giáp 6 - Lữ đoàn xe tăng 273 cùng bộ binh tiểu đoàn 4 đã tiến thẳng vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 . Toàn bộ quân địch còn lại ở đây đã nhanh chóng bị các chiến sỹ Tiểu đoàn 4 tiêu diệt và bắt sống . Tên tên đại tá Vũ Thế Quang - Sư phó Sư đoàn 23 , chỉ huy trưởng Mặt trận Buôn Ma Thuột cùng tên Nguyễn Trọng Luật - tỉnh trưởng tỉnh Đắc Lắc hoảng sợ đã bỏ chạy . Nguyễn Trọng Luật đã bị các chiến sỹ đại đội 3 - Tiểu đoàn 4 - Trung đoàn 24 tóm gọn cùng hơn chục tên lính chạy cùng . Tên Vũ Thế Quang ngày hôm sau cũng bị các chiến sỹ Trung đoàn 174 tóm được . Tiểu đoàn 4 nhanh chóng triển khai lực lượng bảo vệ khu Sở chỉ huy Sư 23 và tổ chức cắm cờ tại cột cờ của Sư đoàn 23 , thu rất nhiều vực khí , súng đạn , tài liệu , hiện vật trong đó có lá cờ mang dòng chữ " Nam Bình , Bắc Phạt , Cao Nguyên trấn " của Sư đoàn 23
Ở hướng của Trung đoàn 174 , lúc 6 giờ sáng ngày 11/3 , Trung đoàn cũng tổ chức thành 3 mũi tấn công vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 . Hai mũi của Tiểu đoàn 3 do đại đội 9 và đại đội 11 đánh vào từ hướng Tây . Một mũi của Tiểu đoàn 1 cùng xe tăng đánh vào từ hướng Tây Nam . Địch tổ chức chống trả quyết liệt nhưng chúng vẫn không ngăn cản được các mũi tấn công của Trung đoàn . 11 giờ 30 , cánh quân của Trung đoàn 174 cũng đã có mặt tại Sở chỉ huy Sư 23 .
Ở mũi tấn công của Trung đoàn 149 ở hướng Nam , lúc 6 giờ sáng ngày 11/3 , trong lúc pháo binh bắn vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 , Trung đoàn cũng tổ chức cho bộ đội tấn công vào các vị trí xung quanh Sở chỉ huy Sư 23 , sau đó đánh vào khu Tham mưu . Tại khu Tham mưu địch chống trả quyết liệt , một số chiến sỹ ta thương vong nhưng bộ đội ta vẫn kiên cường chiến đấu , diệt hàng trăm tên , bắt 19 tên . Lúc 11 giờ , sau khi tiêu diệt xong bọn địch ở khu Tham mưu , Trung đoàn tổ chức đánh sang Sở chỉ huy Sư đoàn 23 và gặp cánh quân của tiểu đoàn 4 - Trung đoàn 24 tại đây .
Trận Buôn Ma Thuột lịch sử đến đây đã kết thúc . Có thể nói đây là một trận đánh ta đã dùng mưu và kế rất hay để thắng địch . Trận Buôn Ma Thuột là một trận thắng vượt ra khỏi ý nghĩa một chiến dịch , mang ý nghĩa chiến lược . Với trận Buôn Ma Thuột ta đã giáng một đòn chí mạng vào quân địch ở Tây Nguyên , đẩy địch vào thế bị động , làm cho chúng phải vội vã rút chạy khỏi Tây Nguyên , tạo ra thời cơ chiến lược mới để quân và dân ta mở ra các chiến dịch tiếp theo giải phóng hoàn toàn miền Nam , thống nhất đất nước . Trận Buôn Ma Thuột sẽ mãi mãi đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam ta .
Nhận xét
Đăng nhận xét