SƯ ĐOÀN  10 TRONG CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN 

                                Nguyễn Đình Thi - Sư đoàn 10

  

     Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta có nhiều chiến dịch . Trừ chiến dịch Hồ Chí Minh sau này còn trước đó chưa có một chiến dịch nào ta lại giành thắng lợi lớn như Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975 . Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975 đã tạo ra bước ngoặt lịch sử , tạo thời cơ chiến lược để ta giải phóng hoàn toàn miền Nam , thống nhất đất nước . Trong chiến dịch này Sư đoàn 10 đã đóng góp một phần rất quan trọng . Trong số hôm nay và các số tiếp theo tôi xin giới thiệu với các bạn loạt bài SƯ ĐOÀN 10 TRONG CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN . Kính mời các bạn đón xem .


                                             Phần I

   BÍ MẬT TỔ CHỨC TRINH SÁT ĐỊA HÌNH ĐỨC LẬP VÀ BUÔN MA THUỘT


 

   Vào những tháng cuối năm 1974 , trên tuyến chốt của Sư đoàn 10 ở khu vực Bắc Kon Tum , chạy dài suốt từ điểm cao 601 ở Võ Định tới Ngọc Bay , Ngô Trang , điểm cao 674 , 751 tới tận KLeng hoạt động của địch giảm đã nhiều so với  thời gian trước . Tình hình chiến trường trên phạm vi cả nước cũng như ở Tây Nguyên lúc này đang có nhiều thuận lợi cho ta . Đầu tháng 9 năm 1974 , Bộ Tổng Tham mưu đã chính thức giao nhiệm vụ cho Mặt trận Tây Nguyên mở chiến dịch Nam Tây Nguyên . Thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tổng Tham mưu giao cho , Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã điều Trung đoàn 7 công binh của Mặt trận và Tiểu đoàn 17 công binh của Sư đoàn cơ động về phía Nam Tây Nguyên bí mật mở các tuyến đường giao thông ở hướng Đức Lập và Buôn Ma Thuột  . Ngày 15/10/1974 , toàn bộ Tiểu đoàn 17 công binh của Sư đoàn đã dời Kon Tum lên đường cơ động xuống phía Nam Tây Nguyên ( Bắc Đức Lập ) . Đây là đơn vị đầu tiên của Sư đoàn dời cánh Bắc xuống cánh Nam thực hiện nhiệm vụ . Trong suốt hơn 4 tháng làm nhiệm vụ ở đây ( từ cuối tháng 10/1974 đến hết tháng 2/1975 ) , Tiểu đoàn 17 của Sư đoàn cùng Trung đoàn 7 công binh của Mặt trận đã hoàn thành mở một loạt các con đường ô tô từ trục chính đường Trường Sơn vào Bắc Đức Lập và Bắc Buôn Ma Thuột để chuẩn bị cho nhiệm vụ , đó là các tuyến đường 6B , 2B , N1 , N5 , 14C , 22 , 23 , 128 dài 156 km . Tuy ta mở nhiều tuyến đường như vậy song do làm tốt công tác giữ gìn bí mật , địch hoàn toàn không phát hiện được . Nhờ những con đường này ta đã vận chuyển được rất nhiều vũ khí , súng đạn , lương thực phục vụ cho chiến dịch . Sau chuyến đi làm nhiệm vụ đầu tiên của Tiểu đoàn 17 công binh đi về Nam Tây Nguyên , cuối tháng 10/1974 , đoàn đi trinh sát địa hình đầu tiên của Sư đoàn gồm : Chủ nhiệm trinh sát Sư đoàn , Chủ nhiệm trinh sát và đại đội trưởng trinh sát các Trung đoàn cùng một số trinh sát viên của Sư đoàn và Trung đoàn do Chủ nhiệm trinh sát Sư đoàn - Lê Anh Bào dẫn đầu cũng lên đường đi về Nam Tây Nguyên chuẩn bị trước cho công tác trinh sát căn cứ Đức Lập và Núi Lửa . Sau gần 20 ngày làm nhiệm vụ đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ trở về . Tiếp đó , ngày 4/12/1974 , sau khi được Mặt trận Tây Nguyên chính thức giao nhiệm vụ cho Sư đoàn tiêu diệt căn cứ Đức Lập và Núi Lửa ở phía Tây Buôn Ma Thuột để mở thông hành lang chiến lược từ Miền Bắc vào Đông Nam Bộ , Đoàn cán bộ thứ 2 đi trinh sát địa hình Đức Lập do Sư trưởng Hồ Đệ dẫn đầu cũng đã lên đường . Thành phần Đoàn đi trinh sát Đức Lập lần thứ 2 gồm Chỉ huy Sư đoàn , Trung đoàn trưởng của 4 trung đoàn : 66 , 28 , 24 và Trung đoàn 4 pháo binh , các Tiểu đoàn trưởng , các Đại đội trưởng của tất cả các đơn vị trong Sư đoàn . Ngoài thành phần của Sư đoàn còn có thành phần trinh sát của Mặt trận và cả Tư lệnh Mặt trận - Vũ Lăng cũng đi trong đoàn trinh sát địa hình của Sư đoàn . Quân số cả trinh sát , thông tin , hậu cần của Đoàn này khá đông lên tới gần 150 người .  Có thể nói đây là đợt tổ chức đi trinh sát địa hình quy mô lớn nhất của Sư đoàn từ trước tới giờ  . Để đảm bảo bí mật , tất cả các cán bộ đi trinh sát đều không được phổ biến đi trinh sát địa hình mà chỉ được thông báo đi tập huấn trên Mặt trận , giống như các lần đi tập huấn trước đây , khi đi mọi người được yêu cầu để lại đơn vị tất cả các giấy tờ , tài liệu . Sau 4 ngày hành quân bằng ô tô của Trung đoàn cao xạ 234 , ngày 7/12 , Đoàn cán bộ trinh sát của Sư đoàn đã đến vị trí tập kết tại một cánh rừng cách Đức Lập về phía Bắc chừng hơn 10 km .        

    Khó khăn đối với công tác trinh sát của Sư đoàn ở Đức Lập lúc này là địch thường xuyên tung thám báo , biệt kích và lực lượng bảo an , dân vệ ra để dò la , phát hiện lực lượng của ta , mặt khác khu vực này thường xuyên có xe ô tô của dân vào khai thác gỗ . Để không cho địch phát hiện được lực lượng của ta làm nhiệm vụ ở  đây , Sư đoàn yêu cầu tất cả mọi người phải triệt để tuân thủ các quy định về đi lại , ăn ở , nấu nướng , tuyệt đối không được để lại dấu vết , các bộ phận gặp địch và gặp dân đều phải tổ chức vòng tránh , không được nổ súng , đồng thời phân chia Đoàn thành các toán nhỏ , Trung đoàn nào được giao mục tiêu nào thì trinh sát mục tiêu đó . Cán bộ Sư đoàn và Trung đoàn lên trinh sát trước sau đó đến cán bộ Tiểu đoàn và Đại đội . Ban ngày thì trinh sát địa hình khu vực phía ngoài căn cứ Đức Lập , tối đến cán bộ các đơn vị theo từng mục tiêu được phân công , bò vào tận nơi trinh sát , đếm các hàng rào , đánh dấu các mục tiêu . Cứ như vậy sau một tuần các đơn vị đã hoàn thành kế hoạch trinh sát các mục tiêu được giao . Rất may là cả quá trình trinh sát Đức Lập và Núi Lửa đều suôn sẻ . Duy nhất có hai sự cố nhỏ xảy ra . Sự cố thứ nhất là một bác sỹ của Mặt trận đi cùng đoàn , lúc trinh sát xong quay ra . Đoàn nghỉ giải lao một lúc rồi tiếp tục đi . Đi chừng được 1 km thì phát hiện thấy thiếu bác sỹ . Cả đoàn lo sợ bác sỹ này bị địch bắt thì lộ hết . Đoàn phải dừng lại và cho trinh sát quay lại tìm . Hoá ra lúc đoàn dừng nghỉ , vị bác sỹ này xuống suối rửa chân tay , khi lên thì đoàn đi rồi , đang loay hoay tìm đường thì gặp trinh sát đến tìm . Sự cố thứ 2 là lúc vào trinh sát Đức Lập , khi leo lên một ngọn núi để quan sát . Do trời nóng , Tư lệnh Mặt trận - Vũ Lăng cởi súng để ở bãi cỏ . Khi xuống dưới chân núi , Tư lệnh mới nhớ ra để quên súng . May quá trinh sát quay lại tìm vẫn thấy khẩu súng ở vị trí cũ . Trinh sát xong Đức Lập , vừa trở về Kon Tum thì ngày 12/1/1975 ,  Mặt trận Tây Nguyên được Bộ Tổng Tư lệnh giao bổ xung thêm nhiệm vụ đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột . Sư đoàn 10 được Bộ Tư lệnh Mặt trận giao nhiệm vụ : tổ chức một mũi thọc sâu đánh vào căn cứ Sở chỉ huy Sư 23 địch ở thị xã Buôn Ma Thuột , thế là ngày 20/1/1975 , Sư đoàn lại vội vã tổ chức một Đoàn nữa đi trinh sát Buôn Ma Thuột , Đoàn này chủ yếu là các cán bộ cấp phó do Sư phó Trần Quốc Biên dẫn đầu . Cùng đi trinh sát Buôn Ma Thuột với Sư đoàn đợt này còn có đoàn cán bộ của Sư đoàn 316 do Sư phó Sư - Nguyễn Thơi dẫn đầu  . Sau nửa tháng trinh sát Buôn Ma Thuột , ngày 4/2/75 đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ trở về . Phải nói suốt cả 2 tháng trời ( từ đầu tháng 12/1974 đến đầu tháng 2/1975 ) các đoàn trinh sát của Sư đoàn , của Sư đoàn 316 , Trung đoàn 198 , Trung đoàn 95B , Trung đoàn xe tăng 273 , các Trung đoàn pháo binh , pháo cao xạ , công binh trinh sát quần nát các mục tiêu của địch ở Đức Lập , Buôn Ma Thuột rồi sau đó trở về làm thao trường , đắp mô hình giống như các mục tiêu tấn công cho bộ đội tập luyện mà địch vẫn không hay biết gì . Đây là một thắng lợi rất lớn bước đầu của ta , tạo tiền đề cho trận thắng Buôn Ma Thuột thắng lợi

Nhận xét