QUÂN ĐOÀN 3 TRONG CUỘC CHIẾN BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM VÀ LÀM NGHĨA VỤ QUỐC TẾ Ở CPC

                                           Nguyễn Đình Thi


                                                PHẦN I

             CƠ ĐỘNG LỰC LƯỢNG LÊN TÂY NINH CHIẾN ĐẤU


    Tình hình biên giới Tây Nam nước ta vào những ngày cuối tháng 9 năm 1977 trở nên đặc biệt căng thẳng. Bọn Pôn Pốt đã đưa quân đánh sang một loạt các địa phương biên giới nước ta ở An Giang , Kiên Giang , Đồng Tháp , Tây Ninh, gây tội ác vô cùng dã man . Riêng ở tỉnh Tây Ninh , ngày 25 tháng 9 năm 1977 , quân Pôn Pốt đã đưa 2 Sư đoàn tấn công vào 2 huyện Tân Biên và Bến Cầu , giết chết gần 1000 đồng bào ta , trong đó có nhiều trẻ em , người già , phụ nữ . Trước tình hình trên cuối tháng 9 năm 1977 , Bộ Quốc phòng đã thông báo cho Quân đoàn 3 chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu . Chỉ vài ngày sau , đầu tháng 10 năm 1977 , Bộ Quốc phòng chính thức lệnh cho Quân đoàn điều động gấp Sư đoàn 10 và một lực lượng binh khí kỹ thuật lên phía Bắc tỉnh Tây Ninh làm nhiệm vụ chiến đấu . Việc Bộ Quốc phòng điều động một Quân đoàn chủ lực cơ động chiến lược vào tham gia cuộc chiến đã cho thấy tình hình biên giới phía Nam lúc này là khá nghiêm trọng . Ngày 8 tháng 10 năm 1977 , trong lúc Tư lệnh Quân đoàn - Kim Tuấn về Tiền phương của Bộ Quốc phòng ở Thành phố Hồ Chí Minh nhận nhiệm vụ thì Trung đoàn 64 của Sư đoàn 320 đã được máy bay quân sự chở gấp từ sân bay Nha Trang lên sân bay Thiện Ngôn - Tây Ninh để tham gia tác chiến ngay . Cùng thời gian trên Sư đoàn 10 ( trừ Trung đoàn 24 còn đang huấn luyện tân binh ) cũng được ô tô của Quân đoàn và của Cục Vận tải cơ động gấp lên Tây Ninh . Như vậy sau hơn 2 năm xây dựng trong thời bình, Quân đoàn đã chính thức bước vào một cuộc chiến mới . Ngay sau khi đến biên giới Tây Ninh , Sư đoàn 10 , Trung đoàn 64 và các đơn vị pháo binh, xe tăng đã khẩn trương vào ngay vị trí tập kết để sẵn sàng chiến đấu . Để trừng trị quân Pôn Pốt, Quân đoàn đã quyết định mở chiến dịch A8 , mục đích của chiến dịch này là giáng một đòn mạnh vào kẻ thù , quyết sạch bọn xâm lược Khơ Me Đỏ ra khỏi các khu vực chúng đang xâm chiếm ở biên giới phía Bắc tỉnh Tây Ninh , đồng thời triệt phá các bàn đạp tấn công của địch trên đất đối phương . Lực lượng sử dụng trong chiến dịch A8 gồm có : Sư đoàn 10 ( Thiếu Trung đoàn 24 ) , Trung đoàn 64 - Sư đoàn 320 , 2 Đại đội xe tăng, xe thiết giáp của Lữ đoàn 273 , 1 Tiểu đoàn pháo phòng không của Lữ đoàn 234 , một Đại đội pháo Đ74 của Lữ đoàn 40 pháo binh, 1 Tiểu đoàn công binh của Lữ đoàn 7 , một Tiểu đoàn thông tin của Trung đoàn 29 , Quân đoàn còn được Bộ Quốc phòng tăng cường 1 Đại đội xe tăng, 1 Đại đội pháo 130 ly . Từ ngày 23/10 đến 28/10/1977 ) , Quân đoàn đã tổ chức tấn công, giáng một đòn nặng vào Sư đoàn 4 của địch , quyét sạch bọn địch ra khỏi tuyến biên giới chúng đã xâm chiếm từ Bắc Phum Soa tới Tà Nốt , đồng thời còn tổ chức đánh sâu vào đất của chúng có nơi tới hàng chục km , gây một đòn choáng váng cho địch . Từ ngày 13 tháng 11 năm 1977 , Quân đoàn điều chỉnh thế trận , rút lực lượng về bên đất của ta , lập thế trận phòng ngự mới . Chiến dịch A8 đến ngày 23 /11/1977 đã kết thúc, sau hơn một tháng chiến đấu , Quân đoàn đã quyét sạch bọn địch ra khỏi tuyến biên giới , thu hồi toàn bộ đất đai khu vực từ Kà Tum đến Tà Nốt , đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 156 và một số Tiểu đoàn địa phương , phá hủy căn cứ chỉ huy vùng 20 , loại khỏi vòng chiến đấu 596 tên địch , bắt 4 tên, thu 95 súng .

Tuy bị Quân đoàn giáng cho những đòn đau nhưng được Trung Quốc khuyến khích và giúp đỡ cố vấn cùng vũ khí, súng đạn. Tháng 12 năm 1977 , chính quyền Pôn Pốt đã công khai tuyên bố chiến tranh với Việt Nam , chúng tập trung một lực lượng lớn các Sư đoàn ra biên giới để chuẩn bị tấn công Việt Nam. Trên hướng biên giới Tây Ninh, địch sử dụng 2 Sư đoàn ( 290 và 3 ) cùng các đơn vị pháo binh triển khai trên 2 tuyến đường 13 và 1 để chuẩn bị tấn công vào Bến Cầu , Bến Sỏi ( địa bàn do Quân đoàn 4 đảm nhiệm) và âm mưu chiếm thị xã Tây Ninh . Phối hợp với hướng tấn công chính vào Bến Cầu, Bến Sỏi , địch đưa Trung đoàn 58 thuộc Sư đoàn 5 tấn công vào tuyến phòng ngự của Quân đoàn 3 từ Sa Mát tới Bàu Lung Tung . Ngày 4 tháng 12 năm 1977 , địch dùng pháo binh bắn phá vào sân bay Thiện Ngôn , Trung 58 của địch cũng bắt đầu nổ súng tấn công vào các vị trí chốt của Quân đoàn 3 ở khu vực Tiểu đoàn pháo cao xạ số 12 của Trung đoàn pháo binh 4 - Sư đoàn 10 , khu Đập Đá , Bàu Lung Tung nhưng chúng đã bị các lực lượng của Trung đoàn 28 và 64 vây đánh . Sau 6 giờ chiến đấu, Trung đoàn 28 và Trung đoàn 64 đã đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 58 của địch, quyét sạch bọn địch xâm phạm biên giới. Loại khỏi vòng chiến đấu 210 tên địch, bắt 7 tên , thu 64 súng các loại. Đây là trận đánh đạt hiệu quả chiến đấu cao nhất của Quân đoàn từ khi bước vào cuộc chiến ở biên giới Tây Nam .


Với quyết tâm chiếm bằng được thị xã Tây Ninh và một số địa phương của ta , địch tiếp tục dồn một lực lượng lớn quân ra hướng biên giới phía Bắc Tây Ninh, trên hướng của Quân đoàn đảm nhiệm, lực lượng địch lúc này gồm có 3 Sư đoàn, đó là Sư đoàn 4 , 5 , 117 , ngoài ra còn có lực lượng của vùng 20 và một bộ phận của Quân khu 203 .

Trước tình hình trên , đầu tháng 12 năm 1977 , Bộ Quốc phòng đã có quyết định số 42/QĐ/TM) điều động toàn bộ lực lượng còn lại của Quân đoàn ở địa bàn Quân khu 5 lên phía bắc tỉnh Tây Ninh làm nhiệm vụ chiến đấu . Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, ngày 8 tháng 12 năm 1977 , Sở chỉ huy Quân đoàn từ Nha Trang đã cơ động lên Tây Ninh , đóng cách sân bay Thiện Ngôn 5 km về phía Nam. Cũng trong thời gian này các đơn vị còn lại của Quân đoàn như Sư đoàn 320 , Trung đoàn bộ binh 24 , Lữ đoàn xe tăng 273 , Lữ đoàn pháo binh 40 , Lữ đoàn pháo cao xạ 234 , Lữ đoàn công binh 7 , Trung đoàn thông tin 29 đã lần lượt được ô tô của Bộ và của Quân đoàn cơ động lên Tây Ninh.

Nhằm tiêu diệt một lực lượng sinh lực địch cùng vũ khí , súng đạn của chúng , phá tan âm mưu chuẩn bị đánh chiếm tỉnh Tây Ninh của địch , Quân đoàn quyết định mở chiến dịch Đ7 . Mục tiêu của Chiến dịch lần này là đánh sâu sang bên kia biên giới CPC từ 35 đến 40 km thuộc khu vực đường 7 suốt từ bản không tên tới Tà Hiêu , Âm Púc , Krếc 1 , Krecs 2 , ngã ba phum Thơ Mây , Chông Chênh .

Tham gia Chiến dịch này gồm toàn bộ lực lượng của Quân đoàn như Sư đoàn 320 , Sư đoàn 10 , Lữ đoàn 234 , Lữ đoàn xe tăng 273 , Lữ đoàn 40 pháo binh ,  Lữ đoàn 7  công binh , Trung đoàn 29 thông tin và các đơn vị đảm bảo. Trong đó có 54 khẩu pháo lớn từ 85 ly đến 155 ly , 39 xe tăng, xe thiết giáp .

 Sáng ngày 22 tháng 12 , chiến dịch bắt đầu nổ súng . Sư đoàn 320 đã sử dụng hai Trung đoàn 64 và 52 cùng xe tăng tấn công đánh chiếm bản Không tên, Cầu Suối rồi phát triển tấn công đánh chiếm Tà Hiên . Ở cánh phải, Sư đoàn 10 sử dụng Trung đoàn 28 cùng xe tăng tấn công bản Phum Sâm , sau khi chiếm được Phum Sâm , Trung đoàn phát triển tấn công theo trục đường 7 về phía Tây, chiếm Âm Púc , Krec1 , khu ngã ba đường 7 . Ở hướng tấn công của Trung đoàn 24 , sau khi được lệnh tấn công, bộ binh và xe tăng của Trung đoàn đã đánh thằng theo trục đường 78 , chiếm điểm cao 28 , Phum Thơ Mây , Pring . Sau một ngày chiến đấu, các đơn vị trong Quân đoàn đều giành được thắng lợi lớn, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đập tan tuyến bàn đạp của Sư đoàn 4 và vùng 20 , làm chủ một khu vực rộng tới 300km vuông, chạy dài suốt từ Phum Sâm tới Tà Hiên và từ bắc đường 7 tới Lò Gò , Trảng Diệc . Sau khi bị các đơn vị của Quân đoàn giáng một đòn choáng váng, địch đã điều một lực lượng lớn tới 3 Sư đoàn ( 117 , 4 , 5 ) cùng lực lượng vùng 20 tổ chức phản kích tấn công vào các trận địa chốt của ta nhưng tất cả các cuộc tấn công của địch đều bị quân ta đẩy lui . Từ ngày 29/12 , Quân đoàn quyết định chuyển sang giai đoạn 3 của Chiến dịch: tổ chức tấn công đánh chiếm các mục tiêu ở phía Bắc và phía Tây, Tây Nam. Với thế áp đảo, ngày 30/12 , Trung đoàn 66 của Sư đoàn 10 cùng xe tăng đánh chiếm được một loạt các mục tiêu M9 , Đầm Be , M4 , M5 , M7 . Trung đoàn 24 cùng xe tăng cũng đánh chiếm được các làng xung quanh Ennimít , Chông Chênh rồi phát triển xuống chiếm Konk Srốt . Ngày 31/12 , Trung đoàn 64 của Sư đoàn 320 đã phát triển tấn công , đập tan tuyến phòng ngự của địch ở Pô Léa , đánh chiếm ChRum , thành Ăng Ko Tây . Ở hướng Sư đoàn 10 , Trung đoàn 28 có xe tăng đi cùng đã tấn công đánh chiếm Phrết Theai và Khna rồi tiến về Ăng Ko Tây cùng Trung đoàn 64 . Đêm ngày 3 và ngày 4/1/1978 , các đơn vị toàn Quân đoàn đã được lệnh rút về bên này biên giới của ta . Chiến dịch Đ7 đến đây đã kết thúc . Qua 25 ngày đêm của chiến dịch Đ7 ( từ 12/12 đến 5/1/1978 ) Quân đoàn đã đập vỡ toàn bộ tuyến bàn đạp chuẩn bị tấn công sang biên giới nước ta của địch ở khu vực đường 7 , đánh thiệt hại nặng hai Sư đoàn địch là Sư đoàn 4 và 117 và lực lượng vùng 20 , đánh thiệt hại một bộ phận cánh Bắc của Quân khu 203 và Sư đoàn 5 quan Pôn Pốt . Loại khỏi vòng chiến đấu 2461 tên địch , bắt 362 tên , thu 520 súng các loại , 10 xe quân sự , phá hủy 3 xe tăng  , giải phóng hàng ngàn dân .


Từ tháng 1 đến tháng 5/1978 , Quân đoàn mở tiếp 4 đợt hoạt động mang mật danh A18 , A28 ,A38 và A48 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh . Đây là các đợt hoạt động nhỏ , mục đích của các đợt hoạt động này là tiêu hao sinh lực địch , phá vỡ ý đồ xâm chiếm biên giới nước ta của địch , giữ vững biên giới Quốc gia , giành thế chủ động trên toàn tuyến, làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho ta . Kết quả trong 4 đợt hoạt động trên, Quân đoàn đã tiêu diệt 4886 tên địch, thu 789 súng các loại

Tuy bị Quân đoàn giáng cho một số đòn đau nhưng từ tháng 6 năm 1978 , địch đã huy động một lực lượng lên tới 7 Sư đoàn ra biên giới Tây Ninh khu vực mà Quân đoàn phụ trách ( Sư đoàn 310 ở khu vực từ cầu Orung đến Ph Long , đường 78 , Sư đoàn 174 đóng ở khu vực Tà Nốt , Đập Đá , Sư đoàn 280 đóng ở khu vực Lò Gò , Xóm Giữa đến Tà Nốt , Sư đoàn 675 đóng ở Tây Bắc Xa Mát , Sư đoàn 215 bố trí từ ngã ba Krec đến Phun Sâm và Tra Peang , Rum Seng , Sư đoàn 450 , Sư đoàn 4 cùng 3 Trung đoàn của Vùng 2- đứng chân trên tuyến đường 7 đoạn Phum Sâm Kh Đa , Mi Mốt, Sàm Rông ) .

Để tiêu diệt sinh lực địch , chiếm Kh Đa , Sa Lăng và khu vực Bắc đường 7 . Quân đoàn đã mở chiến dịch A68 nhằm phối hợp với Quân khu 7 . Đợt hoạt động này của Quân đoàn kéo dài từ ngày 14/6 đến ngày 24/6 . Kết quả sau 13 ngày chiến đấu, Quân đoàn phối hợp với Quân khu 7 và Quân đoàn 4 đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 290 và 2 Trung đoàn 101 và 154 thuộc Sư đoàn 4, diệt hơn 3000 tên, bắt 2 tên , thu 400 súng các loại. Giải phóng một vùng rộng lớn có giá trị chiến lược ở Đông Bắc CPC. Đẩy địch vào thế bị động, tan vỡ, tạo điều kiện cho lực lượng cách mạng của bạn phát triển . Tiếp đó từ ngày 12/8 đến ngày 15/8/1978 , Quân đoàn mở đợt hoạt động A781 và từ 20/8 đến ngày 30/8/1978 lại mở tiếp đợt hoạt động A782 . Mục đích của đợt hoạt động này là mở rộng bàn đạp tấn công sang đất CPC ở khu vực Bắc đường 7 , hỗ trợ cho các lực lượng nổi dậy của cách mạng bạn . Quân đoàn đã tổ chức tấn công đánh chiếm các khu vực ở điểm cao 148 , 159 , 119 , 54 , 200 , 202 , 112, 114 , Ph Kran , Ph Sre Veng , Ph Kra Săng , Krec 2 , Chi Peng , Ph Samakoom . Kết quả trong 2 đợt hoạt động này Quân đoàn đã chiếm giữ nhiều khu vực quan trọng của địch ở khu vực Tây, Tây Bắc và Bắc đường 7 . Diệt gần 8000 tên địch, thu và phá hủy 251 súng, bắn cháy 8 xe tăng , 2 xe ô tô . Đưa được gần 4000 dân từ CPC sang Việt Nam . Đặc biệt là bắt liên lạc được với lực lượng nổi dậy của CPC trong đó có ông Hêng Xom Rin - nguyên ủy viên ban chấp hành Đảng bộ khu Đông , chính ủy kiêm Sư trưởng Sư đoàn 4 ( sau này ông Hêng Xom Rin là Chủ tịch Quốc hội của CPC )

                                                 

                                                     PHẦN II

                        THAM GIA TẤN CÔNG GIẢI PHÓNG CPC


   Sau thắng lợi của năm 1978 , Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch A88 , mục đích của Chiến dịch là Tổng tấn công sang CPC nhằm lật đổ chế độ Pôn Pốt - Iêng Xary , giúp cho lực lượng cách mạng của bạn giành chính quyền . Quân đoàn được Tiền phương Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cụ thể như sau : " ... Tấn công tiêu diệt và làm tan dã 5 Sư đoàn địch ở Nam , Bắc đường 7 , ... mở rộng căn cứ cho lực lượng cách mạng CPC... nhanh ổn định nhân dân, phát triển lực lượng cách mạng, giành thắng lợi trọn vẹn cả về quân sự và chính trị "


. Chiến dịch A88 là một chiến dịch lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam , tham gia chiến dịch này gồm 3 Quân đoàn : 2 , 3 , 4 và 3 Quân khu 5 , 7 , 9 cùng nhiều quân binh chủng khác như Không quân, Hải Quân, Pháo binh , Pháo phòng không , Thông tin , Công binh .

Trên hướng tấn công của Quân đoàn ở Tây Ninh lực lượng địch lúc này có 4 Sư đoàn , gồm Sư đoàn 174 , 310 , 450 và 380 , 7 Tiểu đoàn pháo, 1 Trung đoàn xe tăng . Trong chiến dịch này Quân đoàn được Bộ Quốc phòng tăng cường cho Sư đoàn bộ binh 302 của Quân khu 7 , 1 Tiểu đoàn ô tô vận tải và 3 Tiểu đoàn và 6 đội công tác của bạn. Đặc biệt đây là lần đầu tiên trong chiến đấu Quân đoàn được sự chi viện của không quân .


Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng giao cho, kế hoạch tác chiến của Quân đoàn trong chiến dịch A88 như sau : 

- Sư đoàn 10 được tăng cường 4 đại đội xe tăng, xe thiết giáp ( 37 chiếc ) , 1 Đại đội pháo binh , 1 Tiểu đoàn công binh, 1 Tiểu đoàn và 2 đội công tác của bạn, quá trình chiến đấu được sự hỗ trợ của không quân, có nhiệm vụ đánh thẳng vào tuyến phòng thủ chính giữa của địch ở Mặt trận đường 7 , sau đó phát triển tiến công đánh xuống Stoeng , Tà Hiên .

- Sư đoàn 320 được tăng cường 1 Tiểu đoàn xe tăng, xe thiết giáp ( 38 chiếc ) , 4 pháo Đ74 , 155 ly , 1 Trung đội B72 , 1 Tiểu đoàn công binh, 1 Tiểu đoàn ô tô, 2 Tiểu đoàn và 3 đội công tác của lực lượng vũ trang cách mạng CPC, quá trình chiến đấu được không quân chi viện . Nhiệm vụ của Sư đoàn 320 là tấn công vào tuyến phòng ngự của địch ở Thị trấn Suông , Chúp .

- Sư đoàn 31 được tăng cường 1 Đại đội xe ( 8 xe ) , 1 Đại đội pháo binh, 1 Đại đội công binh, quá trình chiến đấu được pháo binh của Quân đoàn chi viện, có nhiệm vụ đánh từ bình độ 50 xuống Nam đường 7 đến Krêc

   Sư đoàn 302 đánh từ tuyến biên giới Xa Mát - Lò Gò lên hướng Nam đường 7 , hợp với các đơn vị bạn ở Tà Hiên , Stoeng .

      Đúng 6 giờ sáng ngày 31/12/1978 , Tư lệnh Quân đoàn- Kim Tuấn chính thức ra lệnh tấn công. Trên hướng của Sư đoàn 320 , Trung đoàn 64 đã luồn sâu từ trước vào phía sau quân địch đã nổ súng tấn đánh chiếm Đầm Be , mở toang cánh cửa ở hướng Tây Bắc. Lợi dụng cửa mở mà Trung đoàn 64 vừa mở, Trung đoàn 48 được ô tô chở đã nhanh chóng vượt qua Đầm Be đánh thằng vào Suông , Chúp . Sở chỉ huy tiền phương Mặt trận đường 7 của địch đóng ở đây đã phải tháo chạy .

Ở hướng tấn công của Sư đoàn 10 , trong lúc pháo binh và không quân của ta bắn phá các mục tiêu của địch, Trung đoàn 66 cùng xe tăng đã dũng mãnh tấn công phá vỡ tuyến phòng thủ của địch ở Làng 18 , điểm cao 113 , 125 . Thừa thắng bộ binh và xe tăng Trung đoàn 66 đã phát triển tiến công đánh chiếm Tà Hiên , Stoeng, làm chủ Sở chỉ huy Mặt trận đường 7 rồi phát triển tiếp đánh chiếm ChRum . Ở hướng Tây, Trung đoàn 28 cũng tiến đánh điểm cao 45 , sau 1 giờ chiến đấu Trung đoàn đã chiếm được điểm cao này rồi tổ chức đánh vào Krec . Trung đoàn 24 lực lượng dự bị của Sư đoàn được xe cơ giới chở cũng đã nhanh chóng bám sát đội hình tấn công của Sư đoàn . Tranh thủ thời cơ thuận lợi từ sự tấn công của Sư 10 và Sư đoàn 320 , Sư đoàn 31 cũng đã tổ chức tấn công đánh chiếm Phum Lo Ât , Phum Sâm , Âm Púc , tiến qua Krec , phát triển theo đường 78 chiếm Tra Paeng Pring. Ở hướng Sư đoàn 302 , sau khi được lệnh tấn công, Sư đoàn đã nhanh chóng đánh chiếm bàn đạp ở Lò Gò - Xa Mát , sau đó lần lượt đánh chiếm các điểm cao 11 , Tà Âm , Tà Nốt . Sau 1 ngày chiến đấu toàn bộ tuyến phòng ngự của địch ở Mặt trận đường 7 , đường 78 và cả một khu vực chạy dài suốt từ Lò Gò , Xa Mát đến Bắc đường 7 đã bị quân ta phá vỡ , rất nhiều tên địch đã bị tiêu diệt, nhiều vũ khí, súng đạn đã bị quân ta phá hủy . Từ ngày 2 đến ngày 5/1 , Quân đoàn chỉ đạo các đơn vị tiếp tục truy quyét tàn quân địch , mở rộng vùng giải phóng . Đến ngày 5 tháng 1 năm 1979 , toàn bộ khu vực phía Đông sông Mê Kông của tỉnh Kông Pông Chàm đã được Quân đoàn giải phóng . Bước một của chiến dịch A88 đã hoàn thành, Bộ Tư lệnh Quân đoàn lệnh cho các đơn vị chuyển sang thực hiện bước 2 của Chiến dịch .

Để phát triển tấn công nhằm lật đổ chính quyền Pôn Pốt- Iêng Xa Ri , Tiền phương Bộ Quốc phòng giao tiếp nhiệm vụ cho Quân đoàn 3 đảm nhiệm tấn công trên hướng Tây, đánh chiếm các mục tiêu ở phía Bắc và Tây Bắc thủ đô Nông Pênh .


    Sau khi tuyến phòng thủ Mặt trận đường 7 của quân Pôn Pốt ở phía Đông thị xã Kông Pông Chàm bị phá vỡ . Nhận thấy tuyến đường 6 chạy về phía sau -  hướng biên giới Thái Lan sẽ bị quân ta cắt đứt như thế sẽ không còn đường rút chạy nên Pôn Pốt đã chỉ thị cho Xon Xen - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng , tập trung lực lượng về hướng thị xã Kông Pông Chàm , gấp rút lập tuyến phòng thủ nhằm chặn đứng cuộc tiến công của ta tại đây . Thực hiện chỉ đạo của Pôn Pốt , ngay trong ngày 4/1/1979 , Xon Xen và Bộ Tổng tham mưu của chúng đã đưa 2000 quân cùng nhiều vũ khí súng đạn đến phía Tây bờ sông Mê Kông ở thị xã Kông Pông Chàm lập tuyến phòng thủ mới . Lực lượng phòng thủ của địch ở thị xã Kông Pông Chàm lúc này ngoài Sư đoàn 520 và 2000 lính vừa được tăng cường chúng còn bắt thêm 700 dân , trang bị cho súng đạn để chốt chặn cùng quân chủ lực . Thị xã Kông Pông Chàm lúc này trở thành một cứ điểm quân sự lớn của địch . Để ngăn chặn cuộc tiến công vượt sông của ta chúng đã tung một lực lượng ra liên tục theo dõi giám sát mặt sông , đồng thời huy động binh lính và dân ở các khu vực xung quanh lập một phòng tuyến khá vững chắc kéo dài tới 20 km bao quanh suốt bờ sông phía Tây thị xã với hơn 500 ụ súng , công sự , hỏa điểm . Phía sau các công sự , ụ súng hỏa điểm là tuyến hào dài chạy dọc theo bờ sông . Tại các công sự , hỏa điểm chúng đều bố trí các loại hỏa lực mạnh như ĐKZ , súng máy 12,7 ly , súng đại liên , B40 , B41 , cối 60 , M79 , cùng với đó là xe tăng , xe bọc thép chốt chặn ở các ngã ba , ngã tư . Dưới mép sông chúng gài mìn và lựu đạn . Với lực lượng đông , hỏa lực mạnh lại được ngăn cách bởi một con sông rộng tới 1 km , Xon Xen tin tưởng rằng chúng sẽ chặn đứng được cuộc tiến công của ta . 

    Nhiệm vụ đánh chiếm Thị xã Kông Pông Chàm được Bộ Tư lệnh Quân đoàn giao cho Sư đoàn 320 . Đây là một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn và nguy hiểm , có thể nói là cảm tử. Kế hoạch vượt sông đánh chiếm Thị xã Kông Pông Chàm của Sư đoàn 320 như sau : 

- Phương án thứ nhất : dùng Tiểu đoàn 9 bí mật vượt sông ở phía thượng nguồn, cách tuyến vượt chính của Tiểu đoàn 7 ở bến phà Kông Pông Chàm  chừng 2km , đánh chiếm bàn đạp , sau khi chiếm được bàn đạp thì nhanh chóng đưa  lực lượng tiếp theo vượt sông . 

- Phương án thứ hai: Nếu phương án thứ nhất không thực hiện được thì chuyển sang phương án thứ hai : tổ chức vượt sông băng sức mạnh . 

Để tăng cường sức mạnh chiến đấu cho trận đánh , Quân đoàn 3 đã tăng cường cho Sư đoàn 320 một đại đội pháo 155 ly - 6 khẩu , 4 pháo 105 ly , 4 pháo cao xạ 57 ly , 4 pháo cao xạ 37 ly , 6 xe tăng lội nước PT76 , 4 xe tăng T54 và Lữ đoàn công binh 249 , một Lữ đoàn công binh được trang bị các thiết bị hiện đại của Bộ Quốc phòng . 

4 giờ 30 phút sáng ngày 6/1 , Tiểu đoàn 9 - Trung đoàn 64 bắt đầu tổ chức vượt sông theo phương án 1 . Những chiếc xuồng máy chở đại đội 9 đã dũng mãnh xuyên màn đêm băng qua sông, khi xuồng máy chạy ra gần giữa sông thì bị địch phát hiện , chúng dùng hoả lực bắn dữ dội vào đội hình làm một số chiến sĩ bị thương và hy sinh . Nhận thấy yếu tố bí mật không còn nữa , Sư trưởng Khuất Duy Tiến quyết định cho bộ đội quay lại và xin ý kiến Phó Tư lệnh Quân đoàn - Nguyễn Quốc Thước , người được Tư lệnh Quân đoàn giao nhiệm vụ chỉ đạo trận đánh xin chuyển sang đánh theo phương án hai : Tổ chức vượt sông bằng sức mạnh . 


   5 giờ 45 sáng ngày 6/1/1979 , Trận đánh vượt sông bằng sức mạnh của Sư đoàn 320 bắt đầu . Các trận địa pháo binh , pháo phòng không , pháo xe tăng , ĐKZ , pháo cối 82 của Quân đoàn và Sư đoàn từ bờ Đông sông Mê Kông đã đồng loạt nã đạn cấp tập vào các ụ súng, hoả điểm và trận địa pháo binh địch ở bên kia sông . Trận bắn phá dữ dội bằng hỏa lực của pháo binh ta đã gây tổn thất lớn cho quân địch , nhiều trận địa pháo địch bị phá hủy , nhiều ụ súng , tuyến hào bị phá vỡ , nhiều binh lính địch bị tiêu diệt , một kho đạn lớn trong thị xã trúng đạn nổ kinh hoàng , một kho xăng bốc cháy , khói đen trùm lên cả thị xã , 3 chiếc xà lan địch đỗ dưới sông cũng trúng đạn bốc cháy dữ dội . Cả một khúc sông vang dền những tiếng nổ đinh tai , nhức óc của đạn pháo . Có thể nói trận bắn phá này của ta  đã gây khiếp đảm cho binh lính địch . 


  6 giờ 30 , sau khi dùng pháo khói bắn sang bờ Tây để tạo một lớp khói che khuất địch , dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Vũ Cối và Tham mưu phó Trung đoàn Khuất Duy Hoan , 4 chiếc xuồng đầu tiên chở các chiến sỹ đại đội 3 cùng hoả lực của tiểu đoàn 7 do Tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Điều và đại đội trưởng đại đội 3 - Nguyễn Đức Thại chỉ huy đã mở hết tốc lực nhằm thẳng hướng thị xã Công Pông Chàm lướt sang . Một chiếc vừa chạy được chừng 100m thì thuyền chết máy , loay hoay mãi không khắc phục được , bộ đội ta phải dùng tay bơi quay lại vào bờ . 3 chiếc còn lại tiếp tục tiến . Càng đến gần bờ phía Tây quân ta càng vấp phải sự chống trả quyết liệt của địch . Hỏa lực ĐKZ , 12,7 ly , đại liên , cối 60 của địch từ trên bờ bắn như vãi đạn vào 3 xuồng máy của ta . Chiếc xuồng đầu tiên tiến cách bờ chừng 100m thì một chiến sỹ trúng đạn hy sinh , Tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Điều cũng dính đạn  bị thương . Bấp chấp hiểm nguy các xuồng máy của đại đội 3 vẫn dũng mãnh lao thẳng vào bờ . Khi gần tới bờ , xuồng của đại đội trưởng Thại bị địch bắn thủng , binh nhất Vũ Mạnh Tuấn phải cởi áo để bịt lỗ thủng , đại đội trưởng Thại lúc này cũng dính đạn bị thương . Xuồng vừa vào sát bờ , các chiến sỹ đại đội 3 đã ào ạt nhảy xuống mép nước , dùng AK , B40 , B41 nhằm thẳng các ụ súng của địch nổ súng . Bị các chiến sỹ đại đội 3 tấn công mạnh , địch hốt hoảng tháo chạy . Đại đội trưởng Thại vớ ngay một khẩu ĐKZ của địch vừa thu được , quay nòng súng nhằm thẳng bọn địch đang tháo chạy bắn liền 5 quả đạn , diệt gần chục tên địch . Chớp thời cơ hỏa điểm địch bị diệt , Trung đội trưởng Nguyễn Ngọc Phương dẫn Trung đội vượt lên , đánh sâu vào phía trong . Một khẩu đại liên địch đặt sau cây thốt nốt bất ngờ bắn dữ dội vào đội hình Trung đội do Phương chỉ huy làm 2 chiến sỹ ngã gục , đội hình Trung đội không phát triển lên được . Để tiêu diệt khẩu đại liên này của địch , Nguyễn Đình Phùng dùng súng PRĐ bắn thu hút địch để Đinh Xuân Khoa bò lên tấn công . Mặc dù lúc này cũng dính đạn địch bị thương song Khoa vẫn bình tĩnh dùng B40 nhằm thẳng vào khẩu đại liên địch bắn . Khẩu đại liên địch bị diệt , Trung đội trưởng Phương dẫn Trung đội băng qua đường tiếp tục tấn công . Ở mũi phía Nam , mặc dù bị thương , Tiểu đoàn phó Điều vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội , đánh bật quân địch ở các công sự , chiếm được một số ụ súng . Sau 30 phút chiến đấu các chiến sỹ đại đội 3 đã chiếm được một khu vực chạy dài 300 m ở bãi đổ bộ . Ngay sau khi nhận được tin đại đội 3 chiếm được bãi đổ bộ , Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 - Kiều Bảo đã tổ chức cho đại đội 1 và 2 nhanh chóng vượt sông . 6 xe tăng lội nước PT76 của Lữ đoàn tăng 215 chờ sẵn từ trước cũng ào lao xuống nước , vượt sông . Các xe tăng PT76 vừa vượt sông , vừa dùng hỏa lực bắn chi viện cho bộ binh Tiểu đoàn 7 . Các trận địa hỏa lực của ta ở bờ Đông sông lúc này được lệnh chuyển làn bắn sâu vào phía trong .

 8 giờ 10 , các Tiểu đoàn còn lại của Trung đoàn 64 là tiểu đoàn 8 và 9 cũng nhanh chóng được phà và các xuồng máy ào ạt đưa qua sông . Tiểu đoàn 8 sau khi vượt sông đã thọc sâu , chia cắt địch thành hai mảng ở Bắc và Nam thị xã . Cả 3 Tiểu đoàn cùng xe tăng , xe bọc thép hình thành 3 mũi tấn công đã nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu còn lại , dồn địch vào các ngõ cụt và mở rộng địa bàn ra các khu vực xung quanh . 10 giờ ngày 6/1/1979 , Trung đoàn 64 đã làm chủ hoàn toàn thị xã Kông Pông Chàm . 

   Sau 5 giờ chiến đấu , trận đánh vượt sông Mê Kông của Sư đoàn 320 đã giành thắng lợi hết sức mỹ mãn , hai Sư đoàn địch phòng thủ ở đây đã bị tiêu diệt và tan rã, ta thu rất nhiều vũ khí , súng đạn . Có thể nói đây là một trận đánh vượt sông mẫu mực và lớn nhất từ trước tới nay của Quân đội ta . 


    Lợi dụng Sư đoàn 320 đã chiếm được Thị xã Kông Pông Chàm , 15 giờ chiều ngày 6 tháng 1 năm 1979 , mũi tấn công hợp thành binh chủng bằng bộ binh cơ giới của Sư đoàn 10 đã nhanh chóng được phà của Lữ đoàn công binh 249 chở vượt sông . Ngay sáng sớm ngày 7/1/1979 , Sư đoàn 10 đã tổ chức đánh phát triển theo đường 7 và đường 6 . Dựa vào hỏa lực của xe tăng , pháo binh , pháo cao xạ đi cùng , bộ binh Sư đoàn 10 đã nhanh chóng đánh tan các chốt chặn của địch trên đường 7 và đường 6 với chiều dài 110 km , suốt từ Kông Pông Chàm tới bến phà Tonglesat . Đây là một kỷ lục cao về tốc độ tấn công hành tiến bằng bộ binh cơ giới của Quân đội ta . 14 giờ chiều ngày 7 tháng 1 năm 1979 , mũi tấn công thọc sâu đi đầu của Sư đoàn 10 là Trung đoàn 28 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Vũ Khắc Đua và Trung đoàn phó Võ Hùng Kháng đã tấn công đánh chiếm bến phà Tông Lê Sát , sau đó sử dụng pháo binh của Trung đoàn 4 đi cùng bắn phá các trận địa phòng ngự của địch ở phía Bắc bến phà TônLesap , trong trận này Pháo binh Trung đoàn 4 đã bắn tới gần 100 quả đạn hoá học làm bọn địch phòng thủ ở đây không chịu nổi phải bỏ chạy . 15 giờ , xe tăng lội nước cùng phà của Lữ đoàn công binh 249 đã nhanh chóng chở lực lượng của Tiểu đoàn 1 vượt sông . Sau khi vượt qua sông mặc dù lực lượng phía sau chưa sang sông kịp và trời lúc này cũng đã tối nhưng Trung đoàn phó Võ Hùng Kháng vẫn quyết định cho tổ chức tấn công vào Thủ đô Nông Pênh ngay . 18 giờ 40 ngày 7 tháng 1 năm 1979 , mũi thọc sâu đi đầu của Tiểu đoàn 1 - Trung đoàn 28 cùng xe tăng do Tham mưu trưởng Trung đoàn Lê Ngọc Châu chỉ huy đã chiếm được khu nhà máy xay, nhà máy hoa quả , kho súng đạn , sau đó phát triển tấn công đánh vào khu Bộ Tồng Tham mưu Quân đội Pôn Pốt , khu Hoàng Cung và bắt liên lạc được với cánh quân của Quân đoàn 4 tại đây .

   Việc Quân đoàn 3 và Quân đoàn 4 đánh chiếm được Thủ đô Nông Pênh ngay trong ngày 7 tháng 1 năm 1979 là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với chính quyền cách mạng CPC , nó đã công bố với toàn thế giới chính quyền Trung ương Pôn Pốt đã bị lật đổ, chính quyền cách mạng mới do Hun Xen lãnh đạo đã ra đời . Đến đây ( hết ngày 7/1/1979 ) , Quân đoàn cũng kết thúc giai đoạn 2 của Chiến dịch A88 .


                                           PHẦN III 

   TẤN CÔNG ĐỊCH , GIẢI PHÓNG CÁC TỈNH XUNG QUANH BIỂN HỒ 

                                         


   Sau khi Nông Pênh thất thủ, chính quyền Pôn Pốt đã chạy về phía Tây Bắc và Tây Nam CPC , khu vực này rừng núi nhiều lại tiếp giáp với biên giới Thái Lan. Âm mưu của chúng là dựa vào khu vực rừng núi hiểm trở này để chống lại ta .Kiên quyết không cho địch có thời gian co cụm để chống lại ta . Tiền phương Bộ Quốc phòng đã lệnh cho Quân đoàn 3 sử dụng một lực lượng nhanh chóng đánh theo trục lộ 6 , truy quét bọn tàn binh địch, giải phóng toàn bộ các tỉnh thuộc Quân khu Tây Bắc và Quân khu miền Tây cũ của địch.

Ngay sau khi được tin Quân đoàn 4 và Trung đoàn 28 đã chiếm được Nông Pênh , Quân đoàn lệnh cho Sư đoàn 10 và các binh chủng phối thuộc cùng lực lượng vũ trang của bạn tiến về phía Tây Bắc- CPC . Trung đoàn 24 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Chúc và Chính ủy Lê Minh Châu chỉ huy đang cơ động trên đường tiến về Nông Pênh thì được tin quân ta đã chiếm được Thủ đô Nông Pênh liền được lệnh của Sư trưởng Bùi Đình Hoè, ngay trong đêm lật cánh , chuyển đánh theo trục đường 6 về Thị xã Kông Pông Thơm .

Đêm 7/1/1979 , đội hình Trung đoàn 24 đang trên đường tiến về thị xã Kông Pông Thơm thì gặp một đoàn xe 13 chiếc của địch chở lính cùng quân tư trang , hậu cần , chạy ngược đội hình Trung đoàn về hướng Nông Pênh , bọn này không biết quân ta đã chiếm được Nông Pênh . Do trời tối và các xe của ta chạy đêm tận dụng ánh trăng không bật đèn nên chúng không phát hiện được đoàn xe của ta . Để cho đoàn xe địch lọt vào trận địa phục kích , các xe tăng , xe bọc thép của Trung đoàn 24 cùng bộ binh bố trí hai bên đường đồng loạt nổ súng tấn công . Bị tấn công bất ngờ bọn địch không kịp chống cự . Chỉ trong vòng 20 phút chiến đấu , Trung đoàn đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ bọn địch đi trên xe , thu nguyên vẹn 13 xe chở quân trang , vũ khí súng đạn của địch .

Sau thất bại ở thị xã Kông Pông Chàm , địch chạy về Kông Pông Thơm lập tuyến phòng thủ mới . Tại Kông Pông Thơm lực lượng của chúng gồm Sở chỉ huy vùng 4 cùng 5 tiểu đoàn quân được bố trí dài theo trục đường 6 và quanh thị xã . Sáng ngày 9/1 , sau khi dùng cao xạ 37 ly , súng máy 12 ly 7 trên xe tăng , xe bọc thép quyét vào các ổ đề kháng của bọn địch chốt chặn ở vòng ngoài . Xe tăng , xe bọc thép chở bộ binh đi cùng của Trung đoàn 24 đã đánh thẳng vào thị xã Kông Pông Thơm . Trước sự tấn công dũng mãnh của xe tăng và bộ binh ta , địch phòng thủ ở đây không chống đỡ nổi , số bị tiêu diệt , số phải bỏ chạy , trong đó có cả các cố vấn quân sự Trung Quốc . Ta thu nhiều tài liệu và cả một kho vũ khí lớn của địch trong đó có hàng trăm khẩu pháo các loại .

Ngay sau khi được tin Trung đoàn 24 chiếm được thị xã Kông Pông Thơm , Sư trưởng Bùi Đình Hoè lệnh cho Trung đoàn 66 lúc này đang đi sau Trung đoàn 24 , lợi dụng địa bàn Kông Pông Thơm Trung đoàn 24 vừa chiếm , nhanh chóng tổ chức lực lượng tấn công về thị xã Xiêm Riệp . Ngay trong đêm 9/1 , xe tăng , xe bọc thép , pháo mặt đất , pháo cao xạ 37 ly cùng 36 xe tải chở Trung đoàn 66 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Bùi Thanh Sơn và chính ủy Phạm Văn Đoàn tiếp tục hành tiến tấn công về Thị xã Xiêm Riệp . Do tốc độ tấn công của ta rất nhanh , địch hoàn toàn chưa biết ta đã vượt qua thị xã Kông Pông Thơm . Khi vượt qua Kông Pông Thơm chừng 50 km , Trung đoàn 66 lại gặp một đoàn xe của địch từ một con đường nhánh chạy ra quốc lộ 6 để về Xiêm Riệp . Đoàn xe này chạy vào phía sau đội hình Trung đoàn 66 , lúc này địch hoàn toàn không biết đội hình quân ta đang ở phía trên . Bộ đội được lệnh tắt hết các đèn xe , bỏ các các mũ cối đang đội , dùng khăn quấn lên đầu giả như lính địch . Để cho cả đoàn xe địch lọt vào đội hình , Trung đoàn mới ra lệnh nổ súng tấn công . Sau một giờ chiến đấu , Trung đoàn 66 đã diệt 60 tên , bắt sống 18 tên , thu 23 xe chở đầy vũ khí , súng đạn , thuốc men . Suốt đêm 9/1 , Trung đoàn 66 tiếp tục vừa hành tiến , vừa đánh địch , giải phóng Kđen - Công , Sam - Sóc , Ăng - Krong . Diệt hơn 300 tên , bắt 180 tên , thu nhiều súng đạn . 6 giờ 30 ngày 10/1/1979 đội hình Trung đoàn vừa tới Thị xã Xiêm Riệp , Trung đoàn Trưởng Bùi Thanh Sơn quyết định cho nổ súng tấn công ngay . Tiểu đoàn 8 cùng 4 xe tăng T54 , 4 xe bọc thép M113 đánh hướng chính diện , Tiểu đoàn 7 đánh tạt sườn từ hướng Bắc .

Tại Xiêm Riệp lực lượng địch ở các nơi thua chạy dồn về đây khá đông , gồm Sở chỉ huy Quân khu Tây Bắc , Sở chỉ huy các Sư đoàn 775 và 202 . Sau 2 giờ chiến đấu , Trung đoàn 66 làm chủ hoàn toàn thị xã Xiêm Riệp . Phát triển tấn công , Trung đoàn liền tổ chức đánh mở rộng ra các khu vực xung quanh . Tiểu đoàn 9 đánh phát triển về phía Nam sân bay , Tiểu đoàn 8 cùng xe tăng , xe thiết giáp tiến công xuống khu đền Ăng Co . 11 giờ trưa ngày 10/1/1979 , Trung đoàn đã làm chủ khu đền Ăng Co , một công trình nghệ thuật nổi tiếng của CPC và thế giới .

Tiếp tục phát triển tiến công , Tư lệnh Quân đoàn Kim Tuấn lệnh cho Sư trường Bùi Đình Hoè nhanh chóng tổ chức lực lượng tấn công tiếp về Bát Đom Boong , giải phóng các tỉnh còn lại xung quanh khu vực Biển Hồ . Sáng 12/1 , Trung đoàn 24 được tăng cường Tiểu đoàn 8 của Trung đoàn 66 cùng xe tăng , xe bọc thép , pháo cao xạ , pháo mặt đất và 40 xe chở quân do Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Chúc và chính ủy Lê Minh Châu chỉ huy tiếp tục hành tiến tấn công theo đường 6 tiến về Bát Đom Boong .

Tại thị xã Bát Tam Băng lực lượng của chúng ở các nơi thua trận chạy về đây khá đông lên tới 5 Trung đoàn . Chúng rải mìn trên trục đường , phá các cầu , cống , dựng các chướng ngại nhằm chặn đà tiến công của ta . Suốt ngày 12/1 , xe tăng , xe bọc thép cùng bộ binh Trung đoàn 24 liên tục đột phá các điểm ngăn chặn của địch trên trục đường 6 dài gần 100 km từ Xiêm Riệp về Bát Tam Băng. 18 giờ ngày 12/1 , Trung đoàn đã phát triển tới phía Tây thị xã Bát Tam Băng . Mặc dù trời đã sắp tối nhưng quyết không dừng lại , Trung đoàn Trưởng Nguyễn Hồng Chúc quyết định tổ chức thành 2 mũi tấn công ngay . Hướng tiểu đoàn 5 có xe tăng , xe bọc thép đi cùng đánh thẳng hướng chính diện , tiểu đoàn 6 đánh từ hướng Nam thọc sườn . Pháo 105 ly , pháo cao xạ 37 ly tập trung bắn vào các trận địa phòng ngự của địch ở phía Tây thị xã . Địch lúc đầu còn chống cự nhưng trước sức mạnh tấn công áp đảo của ta chúng phải bỏ chạy . 19 giờ 30 ngày 12/1 , Trung đoàn 24 đã làm chủ thị xã Bát Tam Băng, trong đó có sân bay Bát Tam Băng. Ta thu nhiều vũ khí , 2 máy bay địch chưa kịp tháo chạy đã bị ta bắt sống . Lúc này quanh khu vực Biển Hồ duy nhất còn thị xã FuaSat là chưa được giải phóng . Nhiệm vụ giải phóng FuaSat được Bộ Tư lệnh chiến dịch giao cho Quân khu 9 , nhưng sau mấy lần đột phá , một Trung đoàn của Quân khu 9 vẫn chưa chiếm được thị xã FuaSat . Trung đoàn 66 lúc này đang đứng chân ở Xiêm Riệp đã được lệnh nhanh chóng cơ động về tấn công FuaSat . Tại PuaSat lực lượng địch ở các nơi thua chạy dồn về đây khá đông , lợi dụng địa hình thuận lợi chúng lập tuyến phòng thủ khá vững chắc theo trục đường 5 . Với cách đánh dùng hỏa lực áp đảo , đánh thẳng vào các trận địa phòng ngự của địch , chưa đầy 2 giờ chiến đấu , Trung đoàn 66 đã giải phóng hoàn toàn thị xã FuaSat . Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 9 cùng xe tăng tiếp tục phát triển về phía Nam và đã gặp được lực lượng của Quân khu 9 . Giai đoạn 3 của chiến dịch A88 đến đây đã kết thúc ( từ 8/1 đến 14/1/1979 )

Thế là vừa tròn 1 tuần ( từ 7/1 đến 14/1/1979 ) , với cách đánh táo bạo , thần tốc , liên tục tấn công , không kể ngày hay đêm , Quân đoàn đã vượt một chặng đường gần 600 km , tiêu diệt và đánh tan một lực lượng lớn gồm 5 Sư đoàn quân địch của Quân khu Tây Bắc và Quân khu Kang Đan , đập tan tuyến phòng thủ của địch ở Mặt trận đường 7 , ở Thị xã Kông Pông Chaàm , đánh chiếm phía Bắc thủ đô Nông Pênh, giải phóng hoàn toàn 5 tỉnh gồm Kông Pông Chàm , Kông Pông Thom , Xiêm Riệp , Bát Tam Băng , FuaSat . Diệt 4807 tên địch, bắt 1759 tên, phá hủy 12 xe tăng, 59 ô tô, thu 16799 súng các loại, 10 xe tăng, xe bọc thép, 332 ô tô, 3 máy bay vận tải, 25 kho , 499 máy thông tin, giải phóng hàng chục vạn dân . Có thể nói đây là một Chiến dịch lớn nhất của Quân đoàn trong cuộc chiến ở CPC, một chiến dịch đạt hiệu quả chiến đấu rất cao. Với thắng lợi này Quân đoàn đã góp phần quan trọng vào chiến công chung của quân đội ta và lực lượng cách mạng CPC lật đổ hoàn toàn chế độ diệt chủng Pôn Pốt- Ieng Xa Ri giành chính quyền về tay nhân dân CPC .

                                              

                                               PHẦN IV

TRUY QUÉT TÀN BINH ĐỊCH , GIÚP BẠN XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG

                                          


  Sau giải phóng Nông Pênh và các tỉnh, tình hình cách mạng của nước bạn CPC vẫn còn rất nhiều khó khăn. Trong khi đó ở biên giới phía Bắc, Trung Quốc đã đưa 60 vạn quân đánh sang biên giới nước ta . Nhưng theo yêu cầu của phía CPC Quân đoàn 3 vẫn tiếp tục ở lại để giúp đỡ cho cách mạng của bạn . Quân đoàn được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ hoạt động ở 2 tỉnh gồm Xiêm Riệp và Bát Tam Băng . Địa bàn hoạt động của Quân đoàn như vậy là rất rộng, tới hơn 200 km . Thực hiện nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng giao cho , Quân đoàn đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị như sau :

 - Sư đoàn 10 hoạt động ở tỉnh Bát Tam Băng và một phần của tỉnh Xiêm Riệp

 - Sư 31 phụ trách toàn bộ vùng phía Đông sông Mê Kông , thời gian sau Sư đoàn được Bộ Tồng tham mưu giao nhiệm vụ cùng Sư đoàn 303 của Quân khu 7 đảm nhiệm bảo vệ khu vực tứ giác Kông Pông Chàm , Kông Pông Thom , ngã ba SKun và Beng Lô Via .

 - Sư đoàn 320 làm nhiệm vụ truy quét địch ở khu vực Tây Nam Kông Pông Chàm . Sau một thời gian hoạt động ở đây Sư đoàn đã được Bộ Tồng Tham mưu điều đi tăng cường cho Quân khu 9 truy quét địch ở tỉnh Tà Keo , phía Tây Nam thủ đô Nông Pênh.

 - Các đơn vị binh chủng của Quân đoàn hoạt động dọc theo trục đường 6 kéo dài từ Thị xã Kông Pông Chàm tới Thị xã Xiêm Riệp.

 Để giúp đỡ chính quyền cách mạng còn non trẻ của bạn, các đơn vị của Quân đoàn đã được phái đến các Phum , xã thực hiện nhiệm vụ vừa truy quét bọn tàn binh địch, vừa đưa nhân dân trở về quê hương và ổn định cuộc sống cho nhân dân , giúp dân phục hồi sản xuất, xây dựng chính quyền cách mạng cơ sở . Kết quả sau một tháng hoạt động ( từ 15/1 đến 15/2/1979 ) các đơn vị trong Quân đoàn đã loại khỏi vòng chiến đấu 3300 tên địch, thu 2700 súng, phá hủy 12 xe tăng, xe bọc thép, tổ chức bàn giao lại toàn bộ kho tàn chiến lợi phẩm cho chính quyền bạn, huy động 1854 chuyến xe ô tô đón trên 10 vạn dân trở về quê cũ làm ăn, cứu đói và cấp cho dân 407 tấn thóc , 44 tấn gạo , 13 tấn muối, cấp thuốc chữa bệnh cho 52800 lượt người dân, cấp cứu hơn 1000 ca bệnh hiểm nghèo, giúp bạn xây dựng chính quyền cách mạng ở 26 xã, 578 Phum , tổ chức 13 đại đội, 1 Tiểu đoàn bộ đội địa phương, 117 đội du kích. Những việc làm này của Quân đoàn đã có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng chính quyền cách mạng của bạn ổn định cuộc sống của nhân dân , được bạn đánh giá rất cao . Bị quân ta truy quét mạnh ở các nơi, địch co cụm lực lượng về khu vực phía Tây tỉnh Bát Tam Băng và tỉnh Pua Sát . Lực lượng của chúng lên đến 8 000 tên. Âm mưu của chúng là dựa vào vùng núi hiểm trở giáp với Thái Lan , lập căn cứ mới để chống phá cách mạng CPC . Căn cứ Trung ương của Pôn Pốt đóng tại vùng thung lũng Tà Sanh , Sầm Lốt , cách Thị xã Bát Tam Băng 60 km về phía Tây Nam . Nhằm tiêu diệt toàn bộ lực lượng còn lại của chính quyền Pôn Pốt . Đầu tháng 3 năm 1979 , Bộ Quốc phòng quyết định mở Chiến dịch 3 , Lực lượng tham gia CHIẾN DỊCH III gồm có Sư đoàn 10 , Sư đoàn 31 , Sư đoàn 309 của Quân khu 7 , Trung đoàn 726 cùng các đơn vị pháo binh và xe tăng của Quân đoàn . Quân đoàn được Tiền phương Bộ Quốc phòng giao là đơn vị tấn công trên hướng chủ yếu của Chiến dịch , đánh chiếm căn cứ chỉ huy đầu não của chính quyền Khơ Me đỏ ở Tà Sanh , Sầm Lốt . Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng có ý nghĩa sống còn đối với cách mạng của CPC . Thực hiện nhiệm vụ của Tiền phương Bộ Quốc phòng giao cho , ngày 22/3/1979 , Quân đoàn đã điều Sư đoàn 31 đang đứng chân ở Xiêm Riệp về Battambang để chuẩn bị tham gia chiến dịch . Ngày 13/3/1979 , Sở chỉ huy Quân đoàn ở Xiêm Riệp cũng đã di chuyển đến Battambang để chỉ huy trận đánh . Một điều thật không may đối với Quân đoàn , ngày 16/3/1979 , Thiếu tướng Kim Tuấn - Tư lệnh Quân đoàn trên đường xuống kiểm tra công tác chuẩn bị chiến dịch của Sư đoàn 31 thì bị địch phục ở Ph Tốc , cách Battambang chừng 50 km , đồng chí Tư lệnh Quân đoàn bị thương nặng , ngày hôm sau thì hy sinh . Đây thực sự là một tổn thất lớn đối với Quân đoàn , đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến của Quân đoàn đang diễn ra rất quyết liệt . Sau khi nghiên cứu tình hình địch ở khu vực Tà Sanh , Săm Lốt . Phương án tác chiến của Quân đoàn như sau :

- Sử dụng Sư đoàn 31 là lực lượng chủ yếu đánh vào căn cứ Trung ương Pôn Pốt ở Tà Sanh , Tức Sóc . Trong đó sử dụng Trung đoàn 866 cùng 8 xe thiết giáp M113 đánh hướng chủ yếu vào căn cứ Tà Sanh . Trung đoàn 922 đánh ở Đông Nam Tà Nghen để nghi binh . Trung đoàn 977 đánh địch ở khu vực Căng Hót , Thơ Min và làm dự bị . Sư đoàn 10 được tăng cường 4 xe tăng T54 của đại đội tăng 4 , 16 xe thiết giáp M113 của đại đội thiết giáp 5 và 8 có nhiệm vụ đánh vào căn cứ Trung ương Khơ Me đỏ ở Săm Lốt . Trong đó Trung đoàn 24 sử dụng Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 6 cùng xe tăng , xe bọc thép đánh hướng chủ yếu , Tiểu đoàn 5 luồn về phía sau Săm Lốt chặn không cho địch chạy sang Thái Lan . Trung đoàn 66 đánh phối hợp ở Chi Săng , Păng Rô Lin . Sáng ngày 27 tháng 3 , dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Quân đoàn- Nguyễn Quốc Thước , cuộc tấn công vào Tà Sanh bắt đầu . 6 giờ 30 phút , các trận địa pháo binh của Sư đoàn 31 và của Quân đoàn đã cấp tập bắn phá dữ dội vào căn cứ Tà Sanh . Ở hướng tấn công chủ yếu của Trung đoàn 866 , lợi dụng lúc pháo binh bắn áp chế các mục tiêu , Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 - Mai Nga đã chỉ huy tiểu đoàn cùng 4 xe thiết giáp xông lên tấn công . Khi phát triển đến gần mục tiêu thì vướng bãi mìn và bị địch bố trí ở các công sự , hầm hào chống trả quyết liệt . 2 xe tăng địch đặt ngầm dưới đất dùng hỏa lực bắn chặn làm nhiều cán bộ , chiến sỹ Tiểu đoàn 3 bị thương và hy sinh . Đội hình Tiểu đoàn 3 phải phải dừng lại ở mép rừng . Trước tình hình trên , trung đoàn trưởng Bùi Thanh Điếm quyết định đưa đại đội 5 của Tiểu đoàn 2 , vu hồi luồn phía Đông đánh vào cụm xe tăng địch , đồng thời đưa tiếp 3 xe thiết giáp ở thê đội 2 lên tham gia tấn công . Sau 30 phút dùng hỏa lực các loại bắn cấp tập vào các mục tiêu trong căn cứ , mũi tấn công vu hồi của Đại đội 5 - Tiểu đoàn 2 cùng 4 xe thiết giáp đã nổ súng tấn công vào cụm xe tăng địch . Ở hướng chính diện của Tiểu đoàn 3 , 4 xe thiết giáp cũng dàn hàng ngang dùng hỏa lực tấn công tiêu diệt các mục tiêu chi viện cho bộ binh tấn công . Từ phía Bắc mũi tấn công vu hồi của Tiểu đoàn 1 cũng đánh tới . Bị pháo binh ta bắn phá , nay lại thấy xe thiết giáp và bộ binh của ta từ các hướng , phía trước mặt , phía bên sườn tấn công , địch hoảng loạn bỏ chạy . Thừa thắng , các xe thiết giáp của ta ào lên , dùng xích sắt trà lên các công sự , rất nhiều tên địch đã bị tiêu diệt . Mất tuyến phòng thủ vòng ngoài , bọn đầu sỏ trong căn cứ Trung tâm Tà Sanh hoảng loạn , một mặt chúng điều lính và xe tăng ra chặn , một mặt tìm cách trốn chạy . 8 xe thiết giáp cùng bộ binh Tiểu đoàn 3 tập trung hỏa lực đánh trả quyết liệt . Sau 30 phút chiến đấu , phần lớn quân địch ở đây đã bị tiêu diệt . Hai xe tăng địch bỏ chạy về hướng Săm Lốt đã bị cánh quân của Trung đoàn 24 chặn đánh , địch hoảng sợ bỏ luôn cả xe chạy tháo thân . Tiểu đoàn 3 , đại đội 5 - Tiểu đoàn 2 đã nhanh chóng đột phá vào khu trung tâm cứ điểm , Tiểu đoàn 1 cũng hình thành một mũi đánh vào phía Tây Bắc căn cứ . Bị đánh ở nhiều hướng , bọn địch trong căn cứ hoảng loạn tháo chạy về phía tây nhưng hầu hết số tàn quân này bị ta đón lõng bắt làm tù binh . Đến 10 giờ ngày 27 tháng 3 , Trung đoàn 866 đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm Tà Sanh . Trung đoàn tiếp tục truy quét rộng ra xung quanh cứ điểm . Tại đây ta thu 140 kho vũ khí , đạn dược, phương tiện chiến tranh của địch , trong đó có gần 8 tấn vàng còn nguyên đai , nguyên kiện được chúng chôn dưới đất không kịp mang đi . Phát huy thắng lợi , sáng ngày 28/3, Trung đoàn 866 tiếp tục tiến về phía Nam . 10 giờ ngày 29 tháng 3, tiểu đoàn 2 đánh chiếm được Phum Tức Sóc nơi đặt đài phát thanh và cơ quan Trung ương của tàn quân địch. Cùng thời gian này Tiểu đoàn 1 trên đường cơ động vào Tuôn Tắc đã phát hiện đánh chiếm đoàn xe con của cơ quan Trung ương và Bộ ngoại giao Khơ Me đỏ, thu nhiều tài liệu quan trọng, trong đó có 2 con dấu Bộ ngoại giao và Vùng IV , 1 hộ chiếu của Iêng Xa Ry . Pôn Pốt cùng đồng bọn của chúng đã xuyên rừng chạy thoát sang biên giới Thái lan . Ở hướng tấn công của Sư đoàn 10 ở Săm Lốt , Trung đoàn 24 cũng chia thành 2 mũi tấn công . Mũi của Tiểu đoàn 5 do Tiểu đoàn trưởng Phạm Quang Hợi chỉ huy từ ngày 25/3 đã bí mật xuyên rừng luồn về phía sau căn cứ Săm Lốt bao vây . Mũi chính diện do Tiểu đoàn 6 và Tiểu đoàn 4 đảm nhiệm . Sáng 27/3 , sau khi pháo binh bắn phá Săm Lốt , bộ binh Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 6 cùng xe tăng , xe thiết giáp từ 2 hướng Nam và Tây Bắc đã dũng mãnh xông lên tấn công . Địch lúc đầu còn tổ chức chống trả nhưng bị quân ta đánh mạnh và đặc biệt bị mũi vu hồi của Tiểu đoàn 5 đánh từ phía sau đến làm cho đội hình của chúng nhanh chóng bị phá vỡ . Địch hoảng loạn bỏ chạy . Xe tăng , xe thiết giáp cùng bộ binh của Trung đoàn liền tổ chức truy kích . 17 giờ chiều ngày 27/3, Trung đoàn đã làm chủ hoàn toàn căn cứ Săm Lốt . Diệt khá nhiều địch . Bắt 152 tên , thu 105 xe vận tải , 2 xe tăng cùng nhiều súng các loại , một ba lô tiền đô la Mỹ , giải phóng hơn 9000 dân . Chiến dịch III đến đây cũng kết thúc . Phát huy thắng lợi, từ ngày 1 đến ngày 24 tháng 4 năm 1979 , Quân đoàn tiếp tục tổ chức lực lượng truy quét bọn tàn binh địch ở vùng biên giới phía Tây Bát Tam Băng , đánh chiếm , làm chủ các mục tiêu của địch còn lại ở Pai Lin , Viên Viêng , Lô Via , Poi Pét , Ni Mít , Cao Mê Lai , Khao Ca Lon . Kết quả trong chiến dịch 3 , Quân đoàn đã giành được thắng lợi rất lớn. Đã tiêu diệt và làm chủ hoàn toàn căn cứ cuối cùng của chính quyền Trung ương Pôn Pốt , làm cho chúng không còn chỗ dựa để chống phá cách mạng của bạn , gây cho địch tổn thất nặng nề cả về sinh lực và phương tiện chiến tranh, loại khỏi vòng chiến đấu 3958 tên địch, thu và phá hủy hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược, giải phóng 7 vạn dân và hầu hết các vùng biên giới phía Tây tỉnh Bát Tam Băng . Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của Chiến dịch 3 , Theo lệnh của Tiền phương Bộ Quốc phòng, Quân đoàn đã cơ động 2 Sư đoàn 10 và 31 cùng các Lữ đoàn xe tăng 273 , Lữ đoàn pháo cao xạ 234 , Lữ đoàn công binh 7 về tham gia chiến dịch Tây Pua Sát cùng Quân đoàn 4 và Quân khu 9 nhằm đánh chiếm căn cứ hậu cần chiến lược của địch ở Kra Vanh . Từ ngày 29/4 đến ngày 3/5/1979 , Quân đoàn đã dùng Trung đoàn 24 chốt chặn ở Chiến dịch ở Tây Pra Môi , Trung đoàn 66 đánh chiếm Sa Piêng , Trung đoàn 977 đánh chiếm Ph Lếch , Trung đoàn 28 luồn sâu về phía sau Kra Vanh , Tiểu đoàn 9 đặc công tiến công căn cứ Sơ Nai Pra . Với chiến thuật tấn công phía trước kết hợp với luồn sâu vu hồi , bao vây từ phía sau chỉ trong 5 ngày chiến đấu Quân đoàn đã chiếm được toàn bộ các mục tiêu trên, thu rất nhiều kho tàng , vũ khí, súng đạn của địch, giải phóng hàng vạn người dân. Phát huy thắng lợi, từ ngày 4 đến ngày 30/5/1979 , Quân đoàn chỉ đạo các đơn vị Sư đoàn 10 và Sư đoàn 31 tiếp tục truy quét , phá hủy các cơ sở hậu cần còn lại của địch, giúp bạn xây dựng chính quyền cách mạng và xây dựng tuyến phòng thủ biên giới phía Tây . Đến ngày 30/5 , tuyến phòng thủ biên giới phía Tây đã hoàn thành, Quân đoàn tổ chức bàn giao lại cho chính quyền cách mạng của tỉnh Pua Sát. Đây cũng là Chiến dịch cuối cùng của Quân đoàn tại CPC . Trong khi Quân đoàn tham chiến ở phía Tây Bắc CPC thì Sư đoàn 320 và một phân đội xe tăng của Lữ đoàn xe tăng 273 đã được lệnh của Tiền phương Bộ Quốc phòng đi phối thuộc cho Quân khu 9 truy quét địch ở tỉnh Tà Keo . Suốt thời gian từ tháng 1 tới tháng 6 năm 1979 , Sư đoàn 320 đã đánh hàng trăm trận, tiêu diệt nhiều sinh lực địch của tàn quân 4 Sư đoàn địch ( Sư 210 , 250 ,270 , 805 ) thuộc Quân khu Tây Nam của địch, giữ vững các tuyến đường giao thông 3 , 33 , 42 , giúp bạn xây dựng chính quyền cách mạng ở cơ sở cũng như việc xây dựng lực lượng vũ trang cho Quân đội bạn. Trong đợt hoạt động ở đây, Sư đoàn 320 đã có hàng trăm cán bộ, chiến sỹ hy sinh, trong đó có Sư đoàn phó - Trần Ngọc Chung . Đầu tháng 6 năm 1979 , Sư đoàn 320 đã được lệnh trở về trong đội hình chiến đấu của Quân đoàn . Ngày 28 tháng 6 năm 1979 , Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam- Lê Trọng Tấn đã ra mệnh lệnh số 48 , 49 /ML- TM điều động toàn bộ Quân đoàn 3 ra phía Bắc, đứng chân ở tỉnh Bắc Thái . Như vậy sau 20 tháng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ Quốc tế ở CPC, Quân đoàn 3 đã lập nhiều chiến công vẻ vang , Quân đoàn đã tiêu diệt , làm tan dã toàn bộ quân địch ở Mặt trận đường 7 , Quân khu Đông , Quân khu Tây Bắc , Quân khu Bắc , căn cứ Trung ương Chính quyền Khơ Me Đỏ ở Tà Sanh , Sầm Lốt , tham gia đánh chiếm phía Bắc thủ đô Nông Pênh . Loại khỏi vòng chiến đấu 48 064 tên địch, phá hủy 6 369 súng các loại, 11 000 tấn đạn , 35 xe tăng, xe thiết giáp, thu 53 239 súng các loại, 10 756 tấn đạn , 685 ô tô , 34 xe tăng , 2 máy bay, giải phóng 1 , 7 triệu dân , giúp bạn xây dựng chính quyền cách mạng ở 64 xã , 1 084 Phum , giúp đỡ xây dựng và trang bị vũ khí súng đạn cho 1 Tiểu đoàn địa phương và 13 Đại đội của bạn. Quân đoàn được Đại tướng Văn Tiến Dũng khen ngợi " Binh đoàn đã thực hiện được... đi đến đâu là bạn tin , dân mến, kẻ thù khiếp sợ và ta thì trưởng thành " . Được Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh , được Chủ tịch nước Tặng danh hiệu cao quý ĐƠN VỊ ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN , 3 Sư đoàn ( 320 , 10 , 31 ) , các đơn vị: Lữ đoàn xe tăng 273 , Lữ đoàn công binh 7 , các Trung đoàn bộ binh 66 , 24 , 48 , 866 , bẩy Tiểu đoàn, Đại đội và Ban ngoại Viện Quân y 211 cùng các đồng chí Thiếu tướng Liệt sỹ Nguyễn Kim Tuấn, Nguyễn Minh Tâm và liệt sỹ Trần Minh Sung cũng được tuyên dương ANH HÙNG . Quân đoàn được Hội đồng Nhà nước CPC tặng lá cờ mang dòng chữ TINH THẦN QUỐC TẾ VÔ SẢN TRONG SÁNG . 

    Để có được chiến công trên, cái giá mà Quân đoàn phải trả cho Độc Lập- Tự do của Tổ Quốc  trong cuộc chiến bảo vệ Biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ Quốc tế ở CPC là không hề nhỏ , 20 tháng chiến đấu ở đây đã có hơn một vạn Liệt sỹ của Quân đoàn đã ngã xuống , số Liệt sỹ này còn nhiều hơn cả chục năm Quân đoàn chiến đấu ở Tây Nguyên , không kể cùng hàng vạn thương binh khác . 

   Sau khi hoàn thành tốt các nhiệm vụ ở CPC , ngày 17/6/1979 , Quân đoàn đã được lệnh trở ra miền Bắc làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, về đóng quân tại tỉnh Bắc Thái kết thúc tốt đẹp nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam và trên đất bạn CPC.

Nhận xét