NHA TRANG ƠI ! MÙA THU TÔI TRỞ LẠI
Giữa tháng 6, Hà Nội vẫn còn nóng như đổ lửa, thế mà từ Nha Trang anh Nguyễn Quang Lâm - Thủ trưởng cũ của tôi thời tôi ở Ban chính trị Trung đoàn 24, Trưởng Ban Liên lạc Bạn chiến đấu Sư đoàn 10 ở Nha Trang đã điện ra cho tôi:
- Thi ơi! Ngày 16/9 này anh em Sư 10 ở Nha Trang tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Sư đoàn 10. Thay mặt Ban liên lạc Sư đoàn 10 ở Nha Trang anh mời em vào dự gặp mặt!
Vẫn giọng Miền Nam năm nào, nhẹ nhàng và thân thiện anh mời rất chân thành và nhiệt tình nên tôi không dám viện lý do từ chối.
Sáng 15/9, tôi đi máy bay từ Nội Bài vào Nha Trang. Thú thật là từ sau ngày cùng đội hình Sư đoàn tiến vào giải phóng Nha Trang tôi có trở lại Nha Trang được vài lần, còn từ năm 1977 đến giờ tôi vẫn chưa có dịp trở lại nên cũng rất muốn trở lại xem Nha Trang hiện giờ thế nào và điều quan trọng nhất là muốn gặp lại những người đồng đội đã một thời vào sinh ra tử với tôi ở mảnh đất Tây Nguyên.
9 giờ tôi có mặt tại sân bay Cam Ranh. Nha trang dịp này giữa tháng 9 thời tiết thật dễ chịu. Gió từ biển thổi vào mát rượi làm lòng người cũng thấy xốn xang. Đón tôi ở sân bay Cam Ranh là một nữ Cựu quân nhân Sư đoàn 10 - Nguyễn Hồng Vân. Hồng Vân nhập ngũ năm 1980, vào Sư 10 và ở Ban tuyên huấn cùng tôi. Ra quân năm 1982 , một chữ ngoại ngữ bẻ đôi không biết thế mà dám vào Nha Trang làm Du lịch và thành công. Hai chú cháu tôi thất lạc tin nhau tới 32 năm. May sao trong một lần Hồng Vân dẫn khách tham quan Đà Lạt, có một vị khách là lính Sư 10 biết tôi và chú cháu tôi đã tìm được nhau.
Rời sân bay Cam Ranh xe chúng tôi nhằm hướng Nha Trang. Con đường từ sân bay Cam Ranh về Nha Trang trước đây chúng tôi tiến vào giải phóng nhỏ bé. Giờ thành phố mở đường mới nối thẳng Nha Trang với Sân bay Quốc tế Cam Ranh không chạy theo đường Quốc lộ 1 cũ nữa, đường rộng thênh thang với 4 làn xe, giữa 2 làn ô tô là bồn hoa rộng tới 20m, đủ các loại hoa, màu sắc đẹp giống như một công viên chạy dài. Mải trò chuyện, chả mấy chốc xe của chúng tôi đã vào tới thành phố. Nha Trang giờ đẹp lộng lẫy quá, khác xa ngày tôi vào giải phóng, thành phố giờ được mở rộng tới tận vùng đầm lầy đìa tôm của Bà Tư Hường ngày xưa. Rất nhiều nhà cao 20 - 30 tầng mọc lên hướng ra biển, chẳng khác nào một thành phố du lịch ở Châu Âu. Ký ức về cuộc chiến 42 năm trước khi tiến vào giải phóng Nha Trang lại ùa về trong tôi. Tôi nhớ sau khi đập tan tuyến phòng thủ của Lữ dù 3 ở đèo Phượng Hoàng - Ma Đrac. Trưa 1/4/1975, đơn vị tôi tiến vào thị trấn Ninh Hoà, đây là một thị trấn nhỏ nằm ở ngã 3 giữa đường 21 đi Buôn Ma Thuột với đường quốc lộ 1 chạy từ Phú Yên vào Nha Trang, nhà cửa ở đây thấp, chủ yếu lợp bằng tôn. Suốt từ Buôn Ma Thuột xuống tới đây tôi mới gặp một thị trấn có dân. Có 3 điều làm tôi đến giờ vẫn nhớ mãi khi tới thị trấn này . Khi chúng tôi đến Ninh Hoà đúng lúc các cháu học sinh ở đây tan học buổi trưa. Nhìn hình ảnh các nam sinh mặc đồng phục trắng, nữ sinh gái mặc áo dài trắng thướt tha, duyên dáng trông đẹp làm sao, tôi cứ ấn tượng mãi. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy một cảnh tan trường đẹp đến vậy. Thú thật lúc đó tôi vừa bất ngờ, vừa ngỡ ngàng. Ở miền Bắc do điều kiện chiến tranh, vải mặc lúc đó còn thiếu lấy đâu ra để mặc đẹp, như tôi hồi đó học tới cấp 3 rồi vẫn chỉ một cái áo vải phin mỏng, thậm chí còn vá, dép cũng chẳng ra hồn. Mùa đông rét căm căm không có áo ấm phải khoác ni lông bên ngoài cho đỡ lạnh đi học. Lúc đó tôi ao ước bao giờ học sinh Miền Bắc mình đến trường cũng được mặc đồng phục đẹp như các cháu học sinh ở đây. Ấn tượng thứ 2 khì tôi tới Ninh Hoà đó là biển. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy biển. Hồi bé ở quê nhà nghèo có được đi đâu mà biết biển, lớn lên đi bộ đội chủ yếu sống ở rừng , giờ nhìn thấy biển vừa thấy ngỡ ngàng, vừa thấy lạ lẫm. Biển mênh mông, xanh biếc những con sóng ào ạt như một thứ ma lực cuốn hút tôi. Sau này đi nhiều nơi, gặp nhiều biển kể cả biển trong nước và nước ngoài nhưng tôi vẫn ấn tượng mãi với biển Ninh Hoà hôm đó. Ấn tượng thứ 3 là lần đầu tiên từ Buôn Ma Thuột xuống tới đây tôi mới gặp dân. Tôi biết thị trấn này khá đông dân cư nhưng lạ là khi chúng tôi tiến vào đây không thấy dân chào đón, nhà nào cũng đóng cửa im ỉm . Sau tìm hiểu tôi được biết phần lớn các gia đình ở đây đều có người đi lính cho quân đội Sài Gòn, họ bị địch tuyên truyền Cộng sản đi đến đâu là giết chóc đến đó nên họ sợ bị trả thù không dám ra gặp bộ đội. Chiến tranh thật ác nghiệt, nó đã chia rẽ những người con đất Việt cùng dòng máu Lạc Hồng, làm cho họ trở nên thù ghét nhau, oán hận nhau. Tôi nhớ lúc ở Kon Tum năm 1973, sau khi Hiệp định hoà bình Pa Ri được ký kết, chúng tôi cùng những người lính quân đội Sài Gòn hàng tuần có 1 lần gặp nhau trong một ngôi nhà gọi là NHÀ HOÀ HỢP ở điểm cao 601A. Tại đây không có không khí chiến tranh, chỉ có tình người giữa những người lính ở 2 phía. Chúng tôi bắt tay nhau, cùng hát, cùng kể cho nhau nghe về chuyện quê hương, gia đình, thân mật vui vẻ như những người bạn. Có tận mắt chứng kiến cảnh người lính ở 2 chiến tuyến cùng ngồi trò chuyện trong một mái nhà thân tình như bè bạn tôi mới nghiệm ra rằng bản chất người lính là người dân mà người dân thời nào cũng vậy đâu muốn chiến tranh, họ chỉ mong hoà bình. Những ngày không phải là lịch gặp nhau, thấy buồn chúng tôi lại gọi sang phía những người lính quân đội Sài Gòn:
- Anh em bên ấy ơi! Buồn quá! ca mấy câu vọng cổ cho vui đi! Thế là từ chốt phía Quân đội Sài Gòn chúng tôi nghe thấy nhũng câu vọng cổ cất lên, chúng tôi cũng nghêu ngao hát theo. Thật là lạ, trên thế giới này có lẽ chưa có cuộc chiến nào lại có những chuyện như vậy. Lúc đó những người lính chúng tôi, cả phía quân đội Sài Gòn đều nghĩ chẳng bao lâu chúng tôi sẽ trở về nhà. Thế mà vài tháng sau chỉ huy Quân đội Sài Gòn đã ra lệnh nã pháo vào chốt của chúng tôi, rồi xua quân tấn công lên chốt của chúng tôi. Những người lính Quân đội Sài Gòn hôm trước ngồi trò chuyện cùng chúng tôi hôm nay họ lại phải cầm súng bắn vào chúng tôi theo lệnh cấp trên. Lúc đó tôi lại thấy thèm muốn những giây phút hoà bình ở NHÀ HOÀ HỢP.
Khoảng 15 giờ, đoàn xe chở chúng tôi vượt qua cầu xóm Bóng tiến vào thành phố Nha Trang, khác hoàn toàn với cảnh ở Ninh Hoà , nhân dân Nha Trang đứng 2 bên đường hò reo, vẫy chào chúng tôi , tung lên xe của chúng tôi bánh kẹo, hoa quả. Chưa bao giờ trong đời lính tôi thấy vinh dự tự hào đến thế. Khi xe chở chúng tôi chạy qua chợ Đầm - chợ lớn nhất ở Nha Trang thời đó một góc chợ vẫn còn cháy, lửa bốc ngùn ngụt. Từ ngày 1/4, lính Lữ Dù 3, lính biệt động, lính địa phương quân thua chạy về đây, chúng xông vào các cửa hiệu trong chợ đập phá, cướp bóc. Nhiều cửa hàng của nhà dân cũng bị chúng xả súng để cướp đồ. Thật may chúng tôi đến kịp. Đoàn xe chở chúng tôi tiếp tục chạy dọc theo đường ven biển ( đường Trần Phú bây giờ ), xe chạy đến đâu nhân dân đổ ra đến đó, đường phố chả mấy chốc đông nghịt dân và bộ đội. Nhìn ra biển, phía hòn Tre tôi thấy có một số tàu chiến địch vẫn còn lảng vảng . Lập tức pháo binh Trung đoàn 4 được lệnh nã đạn vào những chiếc tàu chiến này, buộc chúng phải bỏ chạy. Biển Nha trang chiều hôm đó tôi thấy đẹp làm sao, những dải nắng vàng lướt trên những con sóng lấp lánh như những dải bạc, đẹp kỳ lạ . Nha Trang tôi đã đọc trong sách từ hồi cấp 1, giờ tận mắt chứng kiến niềm vui thật khó tả. Cách đây mới hơn hai chục ngày chúng tôi còn nằm rừng rú thế mà giờ đã có mặt ở một thành phố biển đẹp nhất nhì nước. Thật không tưởng tượng nổi, còn hơn cả một giấc mơ.
* * *
Buổi gặp mặt của những người lính Sư đoàn 10 tại Nha Trang diễn ra thật cảm động, đa số anh em gặp mặt hôm nay đều là người Miền Bắc. Sau giải phóng họ ra quân và lập nghiệp tại một số tỉnh như Đắc Lắc, Đắc Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng. Số ở Nha Trang không nhiều chỉ khoảng vài chục anh em . Dù không đông như các tỉnh ngoài Bắc nhưng năm nào anh em cũng tổ chức gặp mặt. Thế hệ này giờ đa số tuổi đã cao nên mỗi lần gặp lại nhau là vui lắm, đủ thứ chuyện. Ai cũng thấy mình như trẻ lại. Ngày xưa lúc còn chiến đấu họ gắn bó sống chết bên nhau, chia nhau đói khổ, chia nhau sống chết. Giờ đời sống mọi người khá hơn họ vẫn luôn gắn bó bên nhau. Gặp nhau chưa kịp chào hỏi nước mắt đã tuôn rơi. Thế mới biết nghĩa tình của người Lính Tây Nguyên thật sâu nặng. Sức khỏe, tuổi tác, không gian, thời gian vẫn không ngăn cách họ được. Một điều thật bất ngờ đến với tôi, tôi gặp được ân nhân của mình sau 45 năm - anh Hoàng Giới. Tôi và anh cùng khoác ba lô lên tàu đêm 3/11/1971 tại ga Tiền Trung - Hải Dương. Anh là Trưởng Ban Cán bộ, tôi là nhân viên Ban Tuyên huấn, cùng Ban chính trị Trung đoàn. Lúc Trung đoàn đóng quân ở đỉnh Chư fa, tôi bị sốt rét nặng. Đói như thế mà lúc sốt rét nhìn thấy cơm, thấy măng rùng mình, ớn đến tận đỉnh đầu, nôn mửa mật xanh, mật vàng. Lúc đó tôi có cảm giác mình chắc gửi xác lại ở đỉnh núi Chư Fa này. Thấy tôi người như một tàu lá, anh về chỗ ở lấy một củ sâm, tiêu chuẩn của anh được cấp khi đi chiến trường đưa cho tôi ngậm. Nhờ củ sâm đó mà tôi tỉnh dần và qua cơn nguy kịch. Sau này anh chuyển về làm Trợ lý cán bộ Sư đoàn rồi Quân đoàn. Năm 1978, trong một lần đi công tác ở CPC, xe của anh trúng mìn, anh bị thương nặng, nghe tin anh bị thương tôi không kìm được nước mắt thương anh. Rồi cuộc chiến ở CPC tiếp diễn, tôi và anh từ đó đến nay mới gặp được nhau. Gặp anh tuy thấy anh già đi nhiều vì đã 40 năm không gặp, nhưng tính cách anh vẫn thế, xởi lởi, chân tìn. Anh ôm tôi như đứa em trai bé bỏng của anh. Một điều bất ngờ nữa là tôi được gặp anh Võ Hùng Kháng - Tham mưu phó Trung đoàn 28, người trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 3 đánh chiếm toà nhà chính Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn sáng ngày 30/4/1975 và cũng là người trực tiếp chỉ huy 2 chiến sỹ cắm cờ ở toà nhà Bộ Tổng Tham Mưu, anh từ Bình Thuận vượt hơn 100 km ra đây để gặp mặt đồng đội. Tôi rất thích bản lĩnh người lính trong anh khi đồng chí Lưu Bá Xảo - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320B - Quân đoàn 1 dọa anh khi anh chặn không cho vào toà nhà Bộ Tổng Tham mưu mà đơn vị anh đang bảo vệ. Anh nói với đồng chí Sư trưởng 320B:
- Đây là mục tiêu chúng tôi đang bảo vệ. Nội bất xuất, ngoại bất nhập, mà Lính của anh không có ở đây thì anh vào đây làm gì! Rồi anh kiên quyết không cho đồng chí Lưu Bá Xảo vào. Hôm tôi đăng bài đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Sài Gòn, tôi có điện cho anh, bảo anh vào Facebook xem và bình luận. Vẫn tác phong con nhà lính anh bảo: anh không biết dùng Facebook nhưng nếu ai, đơn vị nào bảo vào Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Sài Gòn trước Trung đoàn 28 - Sư đoàn 10 thì gặp anh, anh vẫn còn sống sờ sờ đây, đã chết đâu mà nhận vơ được.
Cuộc gặp của những người lính Sư 10 ở Nha Trang kéo dài tới 13 giờ chiều mà chưa ai muốn chia tay. Anh Nguyễn Thanh Quang và chị Hương vợ anh cùng anh em Đắc Lắc rủ tôi về Đắc Lắc, tôi nhận lời anh. Tây Nguyên nơi gần 4 năm tôi sống và chiến đấu ở đó như quê hương thứ 2 của tôi, tôi rất ao ước được trở lại, ở trên đó có rất nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh trong trận Buôn Ma Thuột, tôi rất muốn lên đó thắp hương cho các anh. Chào Nha Trang nhé. Hẹn mùa thu năm sau tôi trở lại.
Nhận xét
Đăng nhận xét