BAN MÊ THƯƠNG NHỚ


                                          Nguyễn Đình Thi


   Bữa cơm liên hoan của buổi gặp mặt đồng đội Sư đoàn 10 ở Nha Trang đang vui thì anh Nguyễn Quang Thanh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Sư đoàn 10 ở Đắc Lắc rủ tôi :


- Anh Thi ơi ! Lâu rồi anh chưa về Buôn Ma Thuột , tiện xe mời anh về Buôn Ma Thuột với bọn tôi đi !


Quả thực 5 năm rồi tôi cũng chưa về Buôn Ma Thuột vả lại cái tên Buôn Ma Thuột có cái gì đó rất gần gũi , thân thương và thực tình tôi cũng rất muốn ngược đường tiến quân của đơn vị tôi 42 năm về trước từ Buôn Ma Thuột về Nha Trang nên mặc dù đã mua vé khứ hồi Nha Trang - Hà Nội tôi vẫn quyết định đi Buôn Ma Thuột .


   14 giờ chiều , xe chúng tôi qua cầu xóm Bóng. Điều làm tôi nhớ Nha Trang nhất suốt hơn 40 năm qua đó là cây cầu xóm Bóng . Đây là cây cầu chúng tôi vượt qua để tiến vào thành phố . Đây cũng là nơi đầu tiên chúng tôi đón nhận tình cảm của người dân thành phố biển đứng 2 bên đường chào đón đoàn quân chiến thắng trở về . Niềm vui rạo rực không sao kể xiết . Cảm giác của người lính từng bao năm sống ở rừng giờ đến thành phố nhìn cái gì cũng thấy đẹp , cái gì cũng thấy ngỡ ngàng . Cây cầu xóm Bóng chiều ấy tôi thấy nó đẹp và thơ mộng làm sao . Từ cầu xóm Bóng nhìn thấy biển mênh mông , xanh biếc . Giờ ở xa Nha Trang cứ mỗi lần nhớ Nha Trang lại nhớ cầu xóm Bóng năm nào . 


Vượt cầu xóm Bóng xe chúng tôi tiến về đèo Rù Rì . Đêm 1/4/75 theo quốc lộ 1 chúng tôi hành quân bộ từ Ninh Hoà về hướng Nha Trang . Đêm hôm đó có một điều lạ là đã 11 , 12 giờ đêm rồi mà tôi vẫn thấy từng tốp , từng tốp người dân gồng gánh , tay sách nách mang đi bộ về hướng Nha Trang . Hỏi một người tôi biết mới họ từ Phú Yên chạy vào . Thời chống Pháp lúc tôi chừng 3 tuổi , làng tôi thường xuyên bị đại bác của quân Pháp bắn , mẹ tôi cũng gánh tôi trong thúng cùng đồ đạc đi tránh đạn như những người dân này . Chiến tranh thời nào cũng vậy người lính đã khổ , người dân cũng khổ trăm chiều .Từ Phú Yên vào tới đây đường đất hàng trăm km chứ ít gì đâu thế mà họ cứ cuốc bộ thế này nghĩ mà thương quá . Lúc đó tôi mong ước chiến tranh sớm kết thúc để người dân đỡ khổ .Chừng 1 giờ đêm hôm đó đơn vị tôi đến một xóm nhỏ cách đèo Rù Rì chừng 1 km thì dừng lại nghỉ . Đây là lần đầu tiên suốt từ khi vào chiến trường tôi được nghỉ đêm ở nhà dân . Mặc dù đã khuya nhưng bác chủ nhà rất vui khi được đón các chú bộ đội miền Bắc đến ở nhà mình .Nhìn đồ đạc trong nhà tôi biết nhà bác thuộc dạng nghèo , đêm đó đã khuya bác luộc khoai đãi chúng tôi , những củ khoai đêm hôm đó ăn sao mà ngon thế , tôi cứ ấn tượng mãi . Đêm hôm đó cũng là một đêm có rất nhiều cảm xúc đối với tôi .Nhìn về phía Nha Trang không xa , đèn dù , pháo sáng địch liên tục bắn lên sáng rực cả một vùng trời , lòng tôi thấy xôn xang , rạo rực . Thế là chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ có mặt tại Nha Trang - thành phố biển thơ mộng mà tôi đã đọc trong sách từ hồi còn nhỏ nhưng chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ được đặt chân tới , thế mà giờ đây nó sắp trở thành hiện thực . Niềm vui thật khó tả .


15 giờ xe chúng tôi tới thị trấn Ninh Hoà cái thị trấn tôi có ấn tượng mãi khi đơn vị tôi tiến vào giải phóng 42 năm trước . Trưa hôm đó 1/4/1975 , đơn vị tôi tiến vào thị trấn Ninh Hoà , đây là một thị trấn nhỏ nằm ở ngã ba giữa đường 21 đi Buôn Ma Thuột với quốc lộ 1 chạy từ Phú Yên vào Nha Trang , nhà cửa ở đây thấp , chủ yếu lợp bằng tôn . Suốt từ Buôn Ma Thuột tới đây tôi mới gặp một thị trấn có dân . Có 3 điều làm tôi đến giờ vẫn nhớ mãi khi tới thị trấn này . Khi chúng tôi đến Ninh Hoà đúng lúc các cháu học sinh ở đây tan học buổi trưa . Nhìn hình ảnh các cháu học sinh nam mặc đồng phục trắng , các nữ sinh mặc áo dài trắng thướt tha , duyên dáng trông đẹp làm sao, tôi cứ ấn tượng mãi . Chưa bao giờ tôi thấy một cảnh tan trường đẹp như vậy . Thú thật lúc đó tôi vừa bất ngờ , vừa ngỡ ngàng . Ở miền Bắc do điều kiện chiến tranh , vải mặc lúc đó còn thiếu lấy đâu ra để mặc đẹp . Như tôi hồi đó học đến cấp 3 rồi vẫn chỉ một chiếc áo vải phim mỏng , thậm chí còn vá . Mùa đông rét căm căm không có áo ấm phải khoác ni lông bên ngoài cho đỡ lạnh đi học . Lúc đó tôi ao ước bao giờ học sinh miền Bắc mình đến trường cũng được mặc đồng phục đẹp như các cháu học sinh ở đây . Ấn tượng thứ 2 khi tôi tới Ninh Hoà đó là biển . Đây là lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy biển . Hồi bé ở quê nhà nghèo có đi đâu mà biết biển , lớn lên đi bộ đội chủ yếu sống ở rừng , giờ nhìn thấy biển vừa thấy ngỡ ngàng , vừa thấy lạ lẫm . Biển mênh mông , xanh biếc , những con sóng ào ạt như một thứ ma lực cuốn hút tôi . Sau này đi nhiều nơi , gặp nhiều biển kể cả trong nước và nước ngoài nhưng tôi vẫn ấn tượng mãi với biển Ninh Hoà hôm đó . Ấn tượng thứ 3 là lần đầu tiên từ Buôn Ma Thuột tới đây tôi mới gặp dân . Tôi biết thị trấn này khá đông dân cư nhưng lạ là khi chúng tôi đến đây gặp dân rất ít , nhà nào cũng đóng cửa im ỉm . Sau tìm hiểu tôi được biết phần đông gia đình ở đây đều có người đi lính cho quân đội Sài Gòn , họ bị địch tuyên truyền Cộng sản đi đến đâu là giết chóc đến đó nên họ sợ bị trả thù không dám ra gặp bộ đội .Chiến tranh thật ác nghiệt nó đã chia rẽ những người con đất Việt cùng dòng máu Lạc Hồng , làm cho họ trở nên thù ghét , oán hận nhau . Tôi nhớ lúc ở Kon Tum năm 1973, sau khi hiệp định hoà bình Pa Ri được ký kết, chúng tôi cùng những người lính quân đội Sài Gòn hàng tuần có một buổi gặp nhau tại NHÀ HOÀ HỢP ở điểm cao 601A. Tại đây không có không khí chiến tranh , chỉ có tình người giữa những người lính ở 2 phía . Chúng tôi bắt tay nhau , cùng hát , cùng kể cho nhau nghe chuyện về quê hương , gia đình thân mật , vui vẻ như những người bạn . Có tận mắt chứng kiến cảnh người lính ở 2 chiến tuyến cùng ngồi trò chuyện trong một mái nhà thân tình như bè bạn tôi mới nghiệm ra rằng bản chất người lính là người dân mà người dân thời nào cũng vậy đâu muốn chiến tranh , họ chỉ mong hoà bình . Những ngày không có lịch gặp nhau, thấy buồn buồn chúng tôi lại gọi sang phía những người lính quân đội Sài Gòn :


- Anh em bên ấy ơi! Buồn quá , ca mấy câu vọng cổ cho vui đi !


Thế là từ chốt phía Quân đội Sài Gòn chúng tôi nghe thấy những câu vọng cổ cất lên , chúng tôi cũng nghêu ngao hát theo . Thật là lạ , trên thế giới này có lẽ chưa có cuộc chiến nào lại có chuyện như vậy . Lúc đó những người lính chúng tôi cũng như phía Quân đội Sài Gòn đều nghĩ chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ trở về nhà . Thế mà 2 tháng sau , chỉ huy quân đội Sài Gòn đã ra lệnh nã pháo vào trận địa chốt của chúng tôi . Cuộc chiến lại tiếp diễn . Lúc đó tôi lại thấy thèm muốn những phút giây ở NHÀ HOÀ HỢP .


  Rời Ninh Hoà , xe chúng tôi tới khu vực trại Công Chánh . 42 năm trước Sở chỉ huy Lữ Dù 3 đã đóng tại đây . Nơi đây giờ là các nương ngô xanh biếc của đồng bào , chẳng còn dấu tích gì của trận đánh khốc liệt năm xưa . 42 năm trước tại đây trong suốt 2 ngày 31/3/ và sáng 1/4/75 đã xảy ra một trận đánh vô cùng khốc liệt . Quân Dù sau khi bị Trung đoàn 66 và 28 tấn công ở phía trước và bị Trung đoàn 24 của tôi chặn đánh ở phía sau , chúng huy động tổng lực cả pháo binh , không quân và bộ binh từ Dục Mỹ đánh lên kết hợp cùng quân Dù từ trên đèo Phượng hoàng đánh xuống . Chúng dùng cả đạn hoá học bắn vào trận địa chốt của Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 6 để phá vây nhưng chúng không sao phá nổi . Trong trận đánh này Trung đoàn 24 của chúng tôi cũng phải trả giá đắt 36 cán bộ , chiến sỹ đã hy sinh . Nhìn những nương ngô xanh biếc của đồng bào tôi tự hỏi không biết bên dưới những nương ngô xanh biếc kia còn bao nhiêu xương cốt đồng đội tôi nằm lại ở đó .


Vượt trại Công Chánh xe chúng tôi tiếp tục tiến lên đèo Phượng Hoàng - Ma Đrac . Có trực tiếp đi lại tuyến đường đèo này mới thấy hết tài cầm quân của các Tướng lĩnh trong Bộ chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên . Đây là một tuyến đèo vô cùng hiểm trở , quanh co dài tới hơn chục km , một bên là vực sâu , một bên là núi cao . Địch tổ chức phòng thủ rất kiên cố , chúng khoét núi bên đường đưa xe tăng , xe bọc thép vào đó để chặn đường tiến công của quân ta . Với một lực lượng mạnh như quân Dù lại được chi viện tối đa hỏa lực của không quân , pháo binh chúng nghĩ sẽ chặn đứng được đà tiến quân của ta từ Cao nguyên xuống . Để chiến thắng được Lữ Dù 3 , Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên đã thực hiện phương thức tác chiến chia cắt quân địch thành từng bộ phận nhỏ rồi đưa cả Trung đoàn 24 xuyên dãy núi Chư Tô cao chót vót ở phía Tây chốt chặn khoá đuôi ở phía sau , làm cho Lữ đoàn Dù 3 lực lượng dự bị chiến lược mạnh nhất của quân đội Sài Gòn nhanh chóng bị vỡ trận , phải rút chạy mà rút chạy cũng không xong . Thật tài tình , thật đáng khâm phục các Tướng lĩnh Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên .


   Rời đèo Ma Đrac chúng tôi tới thị trấn Ma Đrac . Thị trấn Ma Đrac chính là thị trấn Khánh Dương ngày xưa . Tại đây 42 năm trước cũng diễn ra trận đánh rất ác liệt giữa Trung đoàn 66 , Trung đoàn 28 , Tiểu đoàn 3 - Trung đoàn 25 cùng xe tăng Trung đoàn 273 và một tiểu đoàn cao xạ pháo của Trung đoàn 234 với Trung đoàn 40 của Sư đoàn 22 và 2 tiểu đoàn bảo an của địch . Địch âm mưu lập tuyến phòng thủ ở Khánh Dương để kịp đưa Lữ Dù 3 lên án ngữ đèo Phượng Hoàng - MaDrac , chặn quân ta tiến về đồng bằng ven biển miền Trung và tái chiếm lại Buôn Ma Thuột . Thế nhưng chúng không sao ngăn cản được đòn tấn công áp đảo của ta . Chỉ sau 3 giờ chiến đấu toàn bộ quân địch ở đây đã bị quân ta tiêu diệt và bắt sống . Thị trấn Ma Đrac giờ thật đẹp , khá sầm uất , đông đúc dân cư với rất nhiều cửa hàng cửa hiệu . Một quảng trường lớn , bề thế lấy tên ngày giải phóng Khánh Dương 22/3 cũng được mọc lên tại đây . Nơi đây tất cả đã đổi thay , không còn một dấu vết nào của cuộc chiến năm xưa .

   Chạng vạng tối xe chúng tôi về tới Phước An . Phước An 42 năm trước là nơi Sư đoàn 23 địch đổ quân xuống đây để tái chiếm Buôn Ma Thuột . Nơi đây cũng là Sở chỉ huy của Sư đoàn 23 . Cả đêm 16/3/1975 , tôi cùng đơn vị mò mẫm hành quân vào bao vây Phước An để sáng ra nổ súng tấn công , gần sáng thì nhận được điện của Trung đoàn báo địch đã rút chạy . Sáng 17/3 , chúng tôi vào Phước An , xe pháo của chúng còn ngổn ngang trên đường , chiếc trực thăng chở tên Sư trưởng Sư đoàn 23 Lê Trung Tường bị pháo phòng không ta bắn rơi vẫn nằm chỏng trơ ở một góc thị trấn . Ngày ấy thị trấn Phước An nhà cửa lèo tèo , giờ Phước An thay đổi quá nhiều , nhà cửa khang trang mọc lên san sát , các cửa hàng , cửa hiệu đầy ắp hàng hoá , dân cư đông đúc . Thị trấn này về đêm chẳng khác gì một thành phố , đèn màu các loại giăng đầy các dãy phố . 

     Mải trò chuyện xe chúng tôi đã về tới cầu 13 , câu chuyện bi thương ở khu vực cây cầu này cứ day dứt tôi suốt hơn 4 chục năm qua. Chả là trưa 15/3/1975 , sau khi tiêu diệt Tiểu đoàn 1 và 2 của Trung đoàn 45 địch đổ quân xuống khu vực Nông Trại  , chiếc xe Zep chở nhóm sỹ quan của Trung đoàn 4 pháo binh đi trinh sát địa hình gồm 5 người, trong đó có đồng chí Trung đoàn phó và anh Nguyễn Đức Nhanh - Tiểu đoàn trưởng . Anh Nhanh trước là Chủ nhiệm pháo binh của Trung đoàn 24 chúng tôi, sau anh chuyển sang Trung đoàn pháo binh 4 làm Tiểu đoàn trưởng . Anh quê ở  Quảng Ninh , trắng trẻo đẹp trai, miệng lúc nào cũng tươi , anh là một cán bộ có năng lực . Anh khoát ba lô từ Bắc vào Nam cùng tôi , 2 anh em rất quý mến nhau , tương lai của anh đang rạng ngời thế mà trưa 15/3 , khi xe chở anh tới cầu 13 , không thấy ai gác và không thấy cảnh báo gì thế là xe của anh vượt luôn qua cầu , không ngờ phía bên kia cầu là quân địch , chúng nổ súng tấn công làm tất cả những người đi trên xe bị thương nặng và bị chúng bắt sống . Hôm sau quân ta tấn công lên thì phát hiện anh và 4 người đi trên xe hôm đó đã bị địch thiêu cháy trong một căn phòng nhỏ , hai tay , hai chân mọi người vẫn còn xót những sợi dây trói . Nghĩ thấy xót xa, thương anh quá.


  18 giờ 30 , xe chúng tôi về tới gần điểm cao 581 . Tại khu vực này sáng ngày14/3/75 đã diễn ra trận đánh ác liệt giữa Trung đoàn tôi với lực lượng Sư đoàn 23 địch . Cũng tại đây tôi đã mất một người bạn rất thân - Phạm Đức Thành , Thành cùng tôi khoát ba lô lên tàu vào Nam chiến đấu đêm 3/11/1971 , ở đội Tuyên văn Trung đoàn Thành có giọng hát cao , mượt và ấm . Tháng 1/1975 , từ Ban tuyên huấn 2 đứa xuống đơn vị . Tôi xuống đại đội 2 , Thành xuống đại đội 3 . Khi còn ở Ban tuyên huấn tôi và Thành rất hợp nhau nên hay tâm sự . Thành quê ở nội thành Hải Phòng , lâu rồi tôi không nhớ số nhà nhưng vẫn nhớ Thành ở phố Phạm Minh Đức - Quận Lê Chân . Những ngày đơn vị đóng quân ở Tân Cảnh ( Kon Tum ) , tình cờ Thành gặp cô bạn thời học phổ thông . Cô bạn người dong dỏng , trắng trẻo , khá xinh , có giọng nói rất ngọt , đi B cuối năm 1972 , vào làm khí tượng ở Kon Tum . Rồi 2 người yêu nhau . Sau này đơn vị ra Võ Định đóng quân , thỉnh thoảng về Tân Cảnh lấy gạo , lấy thực phẩm hai người mới có dịp gặp nhau . Thành mất cùng anh Tống Hồng Điệp - chính trị viên Tiểu đoàn sáng 14/3/1975 , khi tiểu đoàn tôi đánh quân phản kích của Sư đoàn 23 đến tái chiếm Buôn Ma Thuột . Thành bị thương khá nặng do quả đạn pháo địch nổ quá gần . Trên đường đưa về bệnh xá Trung đoàn thì Thành mất . Không biết cô người yêu sau này có biết Thành hy sinh không ? Năm 2005 , khi vào Buôn Ma Thuột dự Liên hoan phim , thuê xe ôm tôi tìm ra nghĩa trang thành phố Buôn Ma Thuột . Theo vần T , tôi tìm được mộ Thành . Đứng trước mộ bạn tôi không sao cầm được nước mắt . Bao kỷ niệm về Thành hiện lên . Nhà Thành ở Hải Phòng bây giờ cũng chẳng còn ai . Mẹ mất từ lâu , chị gái đi lấy chồng xa , giờ không còn ai hương khói cho Thành nữa . Nghĩ thật tội .


19 giờ , xe chúng tôi về tới Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắc Lắc . Nơi đây trước là Sở chỉ huy của Sư đoàn 23 địch . Với tôi dù đã hơn 40 năm rồi nhưng những ký ức về trận đánh vào căn cứ này vẫn không thể nào quên . Đó là một trận đánh rất khốc liệt , ta và địch giành nhau từng căn nhà , từng lô cốt trong suốt 2 ngày 10 và 11/3/1975 , gần một trăm cán bộ , chiến sỹ của tiểu đoàn tôi hy sinh trong trận đánh này , trong đó có cả Tiểu đoàn trưởng Trương Quang Oánh và những người rất thân với tôi như nhạc sỹ Trịnh Sơn Then , đại đội phó Nguyễn Danh Tám , đại đội trưởng Dương . Có một chuyện làm tôi nhớ mãi trong trận đánh này , đó là vào sáng ngày 11/3/75 , trong lúc 2 bên đang đánh dữ dội , bỗng tôi nghe thấy tiếng khóc của trẻ con gọi mẹ . Nhìn ra ngoài đường 429 ( đường Mai Hắc Đế bây giờ ) tôi thấy 2 cháu bé , một bé chừng 6 tuổi , một bé chừng 4 tuổi vừa chạy vừa khóc gọi mẹ , đứa em nhỏ quá chạy không nổi ngã dúi dụi . Tiếng khóc gọi mẹ của 2 đứa trẻ giữa cảnh đạn bom mù mịt nghe thảm thiết và thê lương làm sao . Trong đời chưa bao giờ tôi lại chứng kiến một cảnh tượng xúc động đến vậy . Chiến tranh quả là thật tàn nhẫn . Tôi nói vội với Tân Khải Thanh , chiến sỹ đang đi cùng tôi : 


- Em chạy ra đưa 2 cháu vào đây ! Anh bắn yểm trợ !


Nói rồi tôi giương khẩu AK bắn liên hồi sang phía bên kia đường . Tân Khải Thanh nhào ra 2 tay ôm 2 cháu bé chạy vào , nhìn vẻ mặt đứa nào cũng đầy sợ hãi, nhưng may không đứa nào bị thương nặng . Con lớn bị một viên AR 15 xuyên qua lòng bàn tay , con bé cũng bị một viên AR15 xuyên qua bắp tay . Băng bó cho 2 chị em xong , Thanh lấy kẹo cao su ở gùi ra đưa cho mỗi đứa một chiếc . Vừa cho ăn vừa dỗ . Con chị ăn biết nhả bã , con em nuốt cả . Hơn bốn mươi năm qua tôi luôn tìm kiếm thông tin về các cháu nhưng vẫn bặt vô âm tín . Tôi cầu mong các cháu an lành , được gặp lại gia đình . 


Cơm tối xong mấy anh em chúng tôi rủ nhau đi dạo quanh thành phố . Buôn Ma Thuột giờ thật đẹp , khác xa ngày chúng tôi vào giải phóng , rất nhiều khu phố mới xây dựng theo quy hoạch được mọc lên , đường phố nào cũng rộng và nhiều cây xanh chẳng khác gì những thành phố ở Châu Âu . Những biển hiệu quảng cáo , những đèn màu trang trí đủ màu sắc ở các trục đường và các nhà hàng làm cho thành phố Cao nguyên về đêm càng thêm huyền ảo . Các cửa hiệu , các quán Cafe chập kín người , mùi cafe tỏa ra thật quyến rũ . Có lẽ trừ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì không một thành phố , thị xã nào trong cả nước lại nhiều quán cafe như ở Buôn Ma Thuột . Buôn Ma Thuột cũng là kết thúc chặng đường hơn 200km trở lại chiến trường xưa của tôi . Hơn 200 km tôi đã đi qua biết bao cảm xúc , biết bao gương mặt đồng đội , bạn bè cứ hiện lên , biết bao kỷ niệm cứ ùa đến . Là người trong cuộc nhưng tôi cũng không thể nhận ra một dấu tích gì của những trận đánh khốc liệt năm xưa mà chỉ thấy một màu xanh ngút ngàn của cafe , cao su và những thị trấn , khu dân cư đông đúc với rất nhiều ngôi nhà đẹp ở 2 bên đường. Có ai biết rằng ở nơi đó hơn bốn chục năm về trước rất nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống và cũng còn rất nhiều đồng đội tôi vẫn gửi xác lại nơi này . Tôi ao ước tại cung đường tôi vừa đi qua sẽ có những tượng đài hoặc những bia chiến thắng ghi lại chiến công oanh liệt của những người lính năm xưa để thế hệ hôm nay và mai sau không quên những người đã ngã xuống cho hương vị cafe Ban Mê ngào ngạt tối nay 


                Buôn Ma Thuột tháng 9 năm 2017

Nhận xét